Phó Thủ tướng Nhật Taro Aso. (Ảnh Japan Times) |
“Nếu một sự cố lớn xảy ra (ở Đài Loan - Trung Quốc), có thể nói nó sẽ là tình huống đe doạ sự tồn vong (của Nhật Bản). Trong trường hợp đó, Nhật và Mỹ phải cùng bảo vệ Đài Loan”, báo chí địa phương dẫn lời ông Aso.
Với phát biểu này, ông Aso trở thành quan chức cấp cao nhất trong chính phủ Nhật Bản khẳng định rõ ràng về tình huống mà Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ được triển khai để giúp đỡ quốc gia hay vùng lãnh thổ bên ngoài.
Dù Hiến pháp hậu chiến của Nhật hạn chế huy động SDF, nhưng luật an ninh được thông qua năm 2015 cho phép triển khai lực lượng này ra ngoài biên giới trong một số trường hợp, bao gồm khả năng hỗ trợ đồng minh hay quốc gia bạn bè khi họ bị tấn công và đe doạ chính an ninh của Nhật. Khái niệm này được gọi là tự vệ tập thể.
Ông Aso, người hiện là bộ trưởng tài chính và là thành viên Hội đồng an ninh quốc gia, được biết đến là người thường phát biểu mạnh mẽ và thẳng thắn.
Khi được hỏi về quan điểm của Nhật Bản trong các vấn đề Đài Loan hôm 6/7, ông Aso nói rằng bất kỳ tình huống khẩn cấp nào ở Đài Loan (Trung Quốc) cũng nên được giải quyết tốt nhất thông qua đối thoại, và khẳng định Tokyo đang theo dõi sát sao tình hình.
Tại một cuộc họp báo khác trong cùng ngày 6/7, Tổng thư ký Nội các Katsunobu Kato không bình luận trực tiếp về phát biểu của ông Aso, nói rằng tình huống khẩn cấp ở Đài Loan (Trung Quốc) là “giả định”, đồng thời nhấn mạnh cần một giải pháp hoà bình đối với vấn đề này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi hôm qua nói với báo giới rằng Nhật Bản sẽ có đánh giá toàn diện xem liệu tình huống đó có đe doạ sự tồn vong của Nhật Bản hay không, và việc thực hiện quyền phòng vệ tập thể là cần thiết “dựa trên tình hình cụ thể và thông tin có được”.
Nhật Bản đang theo dõi sát sao khi Trung Quốc đại lục gia tăng áp lực quân sự và ngoại giao lên đảo Đài Loan trong những tháng gần đây, trong đó có vụ điều 28 máy bay quân sự vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan (Trung Quốc) chỉ vài ngày sau khi G7 đề cập đến đảo này trong tuyên bố chung.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của mình và không loại trừ khả năng đưa hòn đảo về dưới quyền kiểm soát bằng vũ lực.
Cuối ngày 6/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng phát biểu của ông Aso “gây tổn hại cho nền tảng chính trị trong quan hệ Trung – Nhật” và Bắc Kinh “kiên quyết phản đối” điều này.
Trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Không ai nên đánh giá thấp quyết tâm, ý chí và khả năng của người Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và thống nhất lãnh thổ”.