Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2018-2023, chiều 11/12 diễn ra chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo bộ, ban, ngành với các đại biểu dự Đại hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang, Hải Phòng: “Thời gian qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng có quan điểm cho rằng sinh viên đảm bảo hội nhập, Chính phủ nên công nhận tiếng Anh phải là ngôn ngữ thứ 2. Quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào?”
Về câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mời đại biểu Nguyễn Thị Hương Giang lên sân khấu giao lưu. Phó Thủ tướng hỏi lại: “Với cháu tiếng Anh là ngoại ngữ hay ngôn ngữ”. “Dạ, với cháu là ngoại ngữ đồng thời là ngôn ngữ vì ngành học của cháu đòi hỏi phải giỏi ngoại ngữ”.
Tùy vào điều kiện từng gia đình, niềm đam mê thì chọn các bạn nên chọn ngoại ngữ cho phù hợp. Biết thêm nhiều ngoại ngữ rất tốt, đặc biệt giỏi tiếng Anh rất tốt cho công việc và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiến pháp thông qua năm 2013 trong đó điều 5, có quy định ngôn ngữ chính của nước Việt Nam là tiếng Việt và các dân tộc khác có quyền dùng ngôn ngữ của mình. Tôi xin trả lời, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của Việt Nam, không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ 2, thứ 3.
Phó Thủ tướng khuyên sinh viên phải chịu khó hơn
Đại biểu Nguyễn Thị Như Quỳnh, Thái Nguyên đặt câu hỏi: Đảng, Chính phủ có chính sách hỗ trợ sinh viên học tập, phát triển, tuy nhiên thực tế có sinh viên giỏi, ưu tú nhưng chưa nhận được hỗ trợ toàn diện. Chính phủ có giải pháp gì để xây dựng quỹ học bổng trao tặng cho sinh viên ưu tú, thời gian khi nào nếu được thực hiện?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đất nước còn nghèo, chế độ hỗ trợ sinh viên chưa toàn diện, bền vững là chính xác. Song Nhà nước còn hỗ trợ cho nhiều đối tượng từ người có công, người yếu thế với số tiền ngân sách bỏ ra lớn. Nhiều gia đình vừa có công, vừa là nạn nhân chất độc màu da cam trợ cấp chưa đủ.
Theo Phó thủ tướng, không phải không hỗ trợ cho các bạn sinh viên. Thời gian qua, Nhà nước vẫn có chế độ như chính sách tín dụng lãi suất thấp cho sinh viên. Học bổng dành cho học sinh giỏi sẽ là cuộc thi đua, cạnh tranh giữa các trường. Trường nào có chính sách học bổng tốt thì sinh viên giỏi đến học, thì uy tín trường đó sẽ lên.
Phó Thủ tướng chia sẻ, các bạn sinh viên vẫn nhận học bổng đi học nước ngoài có thể về nước cống hiến, hoặc ở đó làm việc cũng có thể cống hiến được bằng nhiều cách. Gần đây có sự kiện kết nối tri thức với các thầy cô giáo, học sinh ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Thông qua môi trường mạng vẫn có đóng góp rất tốt.
“Chính phủ xem lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các trường đại học phát huy tính tự chủ lưu ý đến vấn đề này. Song quan trọng nhất, tất cả chúng ta đến các bạn sinh viên phải nỗ lực hơn, đất nước không thể nghèo mãi thế này được. Muốn vậy phải chịu khó hơn”, Phó Thủ tướng mong muốn.