Sáng nay (4/8) diễn ra Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V với chủ đề hài hoà phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án trồng một tỷ cây xanh đến năm 2025.
Theo Phó Thủ tướng, ngoài việc chú trọng trồng rừng để hướng đến mục tiêu đặt ra, cần chú trọng trồng cây xanh trong đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, đông dân.
“Chúng ta đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia thì thấy rất nhiều cây xanh nhưng nhiều tuyến phố, con đường không có. Việc trồng cây xanh trong đô thị có lợi ích rất lớn”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu các địa phương, trong công tác quy hoạch cần chú trọng việc dành quỹ đất cây xanh theo đúng Luật Quy hoạch, đảm bảo đúng tiêu chuẩn đã quy định (12-15m2 cây xanh/người tại đô thị đặc biệt –PV).
Phó Thủ tướng cũng nêu thực tế, nhiều đô thị ban đầu quy hoạch diện tích đất cây xanh nhưng trong quá trình phát triển đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các địa phương không được chuyển đổi đất quy hoạch cây xanh sang mục đích khác. |
Đánh giá cao kết quả của ngành môi trường đạt được trong 5 năm qua, song Phó Thủ tướng cũng cho rằng môi trường còn nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết như vấn đề kiểm soát khói bụi của các nhà máy, vấn đề xử lý nước thải các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Vẫn còn tình trạng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý khí thải, nước thải nhưng do tiết kiệm chi phí mà trốn tránh vận hành. Tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân còn rất lớn.
Phó Thủ tướng chỉ đạo trong 5 năm tới, cần giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế, thực hiện các giải pháp thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông, lâm, ngư nghiệp và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngoài các vấn đề vĩ mô, các địa phương cần triển khai những giải pháp cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân như nhanh chóng di dời các nhà máy ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô. Các địa phương, tùy vào đặc điểm cần lập danh sách các danh mục ngành nghề thu hút đầu tư và các danh mục ngành nghề không chấp nhận đầu tư. Đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Thời gian qua, nhiều diện tích đất quy hoạch cây xanh đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Ảnh minh họa. |
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về môi trường để theo kịp sự phát triển của lĩnh vực. Đồng thời huy động tổng lực các nguồn đầu tư cho môi trường. “Bên cạnh nguồn xã hội hóa, các địa phương cũng phải ưu tiên nguồn ngân sách cho lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Hội nghị Môi trường toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần. Phiên toàn thể sáng nay thu hút với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương.
Hội nghị cũng có sự tham gia của Uỷ ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố. Các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường. Tại Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022, nhận diện thời cơ, thách thức và định hướng công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn từ nay đến 2025.