Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cho biết, đến 9h ngày 10/9, tỉnh ghi nhận 18 người chết và mất tích do sạt lở đất. Trong đó, tại huyện Lục Yên là 11 người, thành phố Yên Bái 4 người, huyện Văn Chấn 1 người, 2 người mất tích ở huyện Lục Yên do bị núi lở vào nhà tại thôn Khe Bín xã Tân Phượng và 10 người bị thương (TP Yên Bái 3 người, Lục Yên 5 người, Văn Yên 2 người).
Mưa lớn khiến nhiều địa phương đang bị cô lập, chia cắt do nước sông dâng cao và sạt lở đất, gần 13.569 nhà ở bị thiệt hại. Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ cũng bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông. Hệ thống lưới điện Trung áp và hạ áp cũng bị ảnh hưởng nặng nề gây mất điện tại nhiều địa phương; hệ thống thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn.
Trước tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh hai ngày qua, tỉnh đã lượng huy động trên 10.850 người tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Huy động tổng lực về các phương tiện để đảm bảo thông các tuyến đường. Khắc phục hệ thống thông tin liên lạc, điện lưới cũng như cứu hộ những hộ dân bị thiệt hại. Di dời 40 nhà bị sập đổ hoàn toàn; di dời 2.337 nhà người và tài sản đến chỗ ở tạm thời. Đối với các hộ bị ngập 10.399 nhà đã di dời 41.590 người để đảm bảo an toàn bằng hình thức xen ghép vào nhà người thân và các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Trong đó thành phố Yên Bái 7.934 hộ bị ngập nước, đã di dời tạm thời 7.934 hộ tương đương 31.730 người. Hiện ước thiệt hại khoảng 73 tỷ đồng.
Tỉnh cũng đã tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sỹ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ. Bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp.
Hiện lũ trên sông Thao tại Yên Bái vẫn đang tiếp tục lên. Dự báo trong 6 - 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử, mực nước trên sông Ngòi Thia dao động ở mức cao, nhiều địa phương vẫn bị chia cắt, cô lập, cũng như nguy cơ xảy ra sạt lở taluy, úng ngập trên diện rộng, việc tiếp cận cứu trợ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thành Long đề nghị Quân khu II, Bộ Quốc phòng và phương tiện hiện có để hỗ trợ các địa phương của Yên Bái; giao cho Bộ trưởng Bộ TN&MT phụ trách địa bàn TP Yên Bái; giao cho đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách huyện Yên Bình, hỗ trợ việc di dời các hộ dân những vùng xung yếu.
Phó Thủ tướng đề nghị xem xét nâng cấp độ thiên tai để chủ động ứng phó phù hợp với tình huống đang xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cần thiết phải huy động những lực lượng chuyên nghiệp, để có những giải pháp phù hợp trong cứu hộ, cứu nạn.
Mục tiêu cuối cùng hạn chế thấp nhất thiệt hại, trong đó đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là trên hết. Đồng thời giao cho Bộ NN&PTNT tham mưu các phương án hỗ trợ tỉnh Yên Bái trong việc khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long quan tâm đến diễn biến thời tiết, việc xả lũ của các thủy điện, tình hình cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân; tính dự báo để ứng phó. Phương án tiếp tế cho người dân tại các địa bàn đang khó tiếp cận.
Trong đó những vấn đề cần phải làm ngay đó là có được các phương tiện xuồng máy cơ động đến những điểm chia cắt tại thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, cứu trợ đưa người về nơi an toàn, hỗ trợ lương thực, nước uống, hỗ trợ đưa, đón bệnh nhân nguy cấp vào bệnh viện đa khoa tỉnh do chia cắt.
Những vị trí có nguy cơ sụt sạt cần tiếp tục di dời, quan tâm đến việc hỗ trợ những gia đình nạn nhân xấu số. Trong trường hợp nước rút, cần một lực lượng hỗ trợ giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại. Cần tiếp tục triển khai các giải pháp về khắc phục tình trạng điện sinh hoạt, thông tin liên lạc, xăng dầu.