“Cần chạm đến cảm xúc của công chúng”
Ngày 13/4, tại TP. Nha Trang - Khánh Hòa, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và hơn 700 đại biểu đến từ 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo trên mặt trận xung kích thông tin truyền thông khi lan tỏa thông tin, khẳng định uy tín đất nước. Thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều đổi mới, bắt kịp phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Trong đó, báo chí bám sát xu thế toàn cầu để tuyên truyền, hướng ứng quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế toàn hoàn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Báo chí cũng chủ động thâm nhập thực tế, đưa tin các sự kiện, vấn đề dư luận quan tâm. Công tác truyền thông chính sách được triển khai chủ động, hiệu quả, truyền tải nguyện vọng của nhân dân đến với các cơ quan xây dựng chính sách.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Phó Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới Hội Nhà báo Việt Nam cần bám sát thực tiễn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước để có nhiều tác phẩm báo chí sinh động, chất lượng và có tính chiến đấu, giá trị nhân văn sâu sắc, chạm đến cảm xúc của công chúng. Từ đó, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, báo chí cần thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mọi mặt trận tư tưởng, văn hóa; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và quán triệt tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp. Mỗi người làm báo không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, năng động, sáng tạo và bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng công nghệ mới. Từ đó, các cơ quan báo chí phát triển chính quy, bài bản, hiện đại, thực hiện tốt vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là phương tiện giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành gắn bó hơn với các cơ quan báo chí và chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí hoạt động đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (bên phải ảnh) trao Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam (Ảnh: V.T). |
“Các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phân phối nội dung, nghiên cứu cập nhật các xu hướng phát triển, thị hiếu của từng nhóm đối tượng. Dựa vào đọc giả để lan tỏa thông tin rộng rãi. Có như vậy, báo chí chính thống mới tập hợp được lực lượng thống nhất, có sức mạnh, đóng vai trò là dòng chảy chính trên xa lộ tin tức không ngừng nghỉ, cập nhật từng phút, từng giờ. Từ đó, đa dạng hóa thị trường, kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao mức sống cho người lao động trong hoạt động báo chí”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Can thiệp 10 vụ hành hung phóng viên
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - khẳng định, báo chí luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam đã luôn sát cánh cùng các hội viên, các cơ quan báo chí hoạt động một cách chủ động, hiệu quả, linh hoạt, bám sát cơ sở, phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan các hoạt động của nhân dân và của cả hệ thống chính trị.
Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. |
Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết: Trong năm 2022, Hội đã hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ, cập nhật dữ liệu và tiến hành in 20.000 thẻ hội viên cho giai đoạn 2021-2026. Hội cũng đã tiếp nhận hơn 100 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo; trong đó có 10 vụ việc liên quan đến 12 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên và hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội đã can thiệp 10 vụ việc cản trở, hành hung phóng viên, có văn bản kịp thời gửi các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp hội viên.
Toàn cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội Nhà báo các cấp như: chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, kinh tế báo chí, mô hình hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo địa phương, chuẩn mực đạo đức và tính chuyên nghiệp của Hội Nhà báo. Các ý kiến, tham luận của đại biểu đã được lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tiếp thu và đề nghị cơ quan liên quan tham dự hội nghị trả lời, giải quyết thấu đáo.