Phó Thủ tướng: ‘30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp về là dư luận nói’

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 13/6. Ảnh: Giang Huy/ VnExpress
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 13/6. Ảnh: Giang Huy/ VnExpress
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay hiện chưa rõ tỷ lệ công chức không làm được việc là bao nhiêu. Dư luận nói tỷ lệ đó 30% nhưng báo cáo của các bộ ngành cho thấy con số này nhỏ hơn rất nhiều.

Sáng 13/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đã được các bộ trưởng giải trình và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đưa ra thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, quan cách, hách dịch, xa dân gần quan, đại biểu Lê Như Tiến chất vấn Phó Thủ tướng về những giải pháp của Chính phủ để cải thiện tình trạng trên đồng thời nâng cao trách nhiệm của công chức.

Trả lời, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay cả nước có gần 4 triệu cán bộ công chức, viên chức (chưa tính lực lượng vũ trang). Nếu đội ngũ này làm tốt sẽ tạo sức mạnh to lớn, đưa chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước thành sức mạnh quần chúng.

Với hiện tượng có bộ phận cán bộ xa dân, quan liêu, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề đạo đức công vụ. “Tới đây, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, đổi mới, đặc biệt là thi tuyển tìm cán bộ tốt phục vụ nhân dân. Đi liền với đó là tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá kịp thời để đưa cán bộ không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy”, ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ngay sau đó, đại biểu Lê Như Tiến bấm nút tiếp tục hỏi câu thứ hai: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ cử tri và dư luận xã hội băn khoăn về 30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp về. Đã cuối nhiệm kỳ, xin Phó Thủ tướng cho biết tỷ lệ đó là bao nhiêu?”, đại biểu Tiến chất vấn.

Phó Thủ tướng cho biết có hiện tượng công chức "sáng cắp ô đi tối cắp về", nhưng không nhiều. “Tỷ lệ bao nhiêu chưa rõ, tôi nói 30% là dư luận nói. Còn theo báo cáo của các bộ thì tỷ lệ này rất thấp”, ông Phúc cho hay.

Phó Thủ tướng: ‘30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp về là dư luận nói’ ảnh 1

Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn về tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước. Ảnh: Giang Huy/ VnExpress

Bày tỏ băn khoăn về nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay, cử tri vẫn rất lo lắng về an toàn nợ công mặc dù Chính phủ nói vẫn nằm trong giới hạn an toàn. “Tại sao lại có độ vênh trong nhận thức về đánh giá về nợ công giữa người dân và Chính phủ?”, đại biểu Ngân chất vấn.

Giải trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói điều quan trọng là khả năng vay và trả nợ vay như thế nào. Việt Nam phát triển hạ tầng nên tỷ lệ nợ công cao. Nợ công hiện là 62%, gần đụng mức giới hạn cho phép 65%.

Theo Phó Thủ tướng, giải pháp sắp tới vẫn là phải tăng cường quản lý chi tiêu công. Cơ cấu lại nợ công, tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài, vay ODA lãi suất thấp, tăng vay dài hạn, giảm vay ngắn hạn, tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ thất thoát. Điều quan trọng hơn cả là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư tốt để kích thích sản xuất.

Với chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch về tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước. Ông Phúc cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế, mục tiêu đã đề ra thế nào thì Chính phủ cố gắng thực hiện đúng mục tiêu trung ương giao. Phấn đấu cổ phần hóa 289 doanh nghiệp Nhà nước, chuyện này vẫn làm hết sức mình trong thời gian tới. “Tuy nhiên chúng ta cũng không quá lo lắng vấn đề này, không phải cổ phần hóa bằng mọi giá mà phải quan tâm chống tiêu cực, thất thoát”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu về việc chặt hạ thay thế cây xanh ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kết luận thanh tra của Hà Nội chỉ ra việc làm đề án còn sơ sài. Trong quá trình thực hiện còn một số sai sót nhất định, như không công khai dân chủ, không vận động nhân dân, không lấy ý kiến nhân dân. Hà Nội sẽ kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân vi phạm khuyết điểm. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.