Doanh nghiệp vẫn khát vốn
Ngày 5/4, tại hội thảo Khơi thông nguồn vốn ra thị trường do báo Tuổi Trẻ tổ chức, ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM - cho biết, khi khảo sát doanh nghiệp (DN) và ngân hàng, các DN than khát vốn, khó tiếp cận vốn trong khi ngân hàng khẳng định đã nỗ lực tiếp cận DN. Qua tìm hiểu, lý do DN chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số đều khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém…
Quang cảnh hội thảo. |
Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, do DN không có đơn hàng, các thị trường chính đều suy giảm đơn hàng nên ngại vay vốn. Nhiều DN khó tiếp cận gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng. Hiện, DN vừa và nhỏ đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6-7%. Còn với DN nhỏ, không có tài sản thế chấp thì đang vay với lãi suất 8-8,5%.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng, DN bất động sản hiện nay không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để mang ra vay vốn, trong khi đó các ngân hàng thương mại đều yêu cầu phải có tài sản đảm bảo do đó khó để vay vốn.
Theo PGS.TS Phạm Thị Thanh Xuân - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Luật, lãi suất trên thị trường đã thấp nhưng cần duy trì trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế.
Doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất. |
Cùng với đó, hiệu ứng từ việc các ngân hàng vừa công bố công khai biểu lãi suất cho vay sẽ giúp cho thị trường công khai và minh bạch hơn. Từ đó giúp dòng vốn điều hướng về phía những ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn, và các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh với nhau về dịch vụ.
Giảm lãi khoản vay cũ
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM - kiến nghị Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ DN xúc tiến thương mại. Tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT được kéo dài thay vì kết thúc vào 30/6 tới.
Ông Tuệ cũng kiến nghị các ngân hàng hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay; đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp. Bên cạnh đó, DN cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa…
Theo Ngân hàng Nhà nước, ngay từ đầu năm nay, ngành ngân hàng đã giảm lãi suất nhằm hỗ trợ người dân và DN tiếp cận vốn. Hiện, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Tính đến gần cuối tháng 3, dư nợ tín dụng đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với năm 2023.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. |
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, vốn nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tín dụng đã Ngân hàng Nhà nước giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15%. “Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên” - ông Tú nói.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02. Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa thay vì kết thúc vào 30/6 tới.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, quý I năm nay kinh tế TPHCM tăng trưởng ấn tượng, với GRDP tăng 6,54%. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, đặc biệt cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là thời gian mà tín dụng cũng tăng trưởng trở lại.
Ước tính trong tháng 3, tín dụng trên địa bàn tăng 0,5% so với tháng trước. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 60%). Riêng cho vay DN hoạt động trong khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn tăng 1,6% so với cuối năm 2023, mức tăng trưởng tốt nhất so với các chương trình tín dụng khác.