Phó TGĐ BHXH Việt Nam: Truyền thông là 'then chốt' trong phát triển BHXH tự nguyện

0:00 / 0:00
0:00
Đa dạng hình thức truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. ẢNH: PHẠM THANH
Đa dạng hình thức truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. ẢNH: PHẠM THANH
Dịch COVID-19 đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có mở rộng người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT). Vượt qua khó khăn đó, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục đà tăng mạnh nhờ công tác truyền thông. Để đánh giá về công tác này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

PV - Chính sách BHXH tự nguyện đã phát triển vượt bậc, kết quả người tham gia 2 năm qua gấp nhiều lần 10 năm trước đó cộng lại, đạt kết quả đó, ông đánh giá sao về vai trò của công tác truyền thông, vận động người dân tham gia?

Ông Đào Việt Ánh: BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho người dân làm việc trong khu vực phi chính thức được tham gia vào mạng lưới an sinh. Để khi người dân hết tuổi lao động có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Trước khi Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách BHXH được ban hành (trước năm 2018), tổng số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ hơn 200.000 người. Năm 2018 bắt đầu thực hiện Nghị quyết 28, ngay năm đầu tiên số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 277.000 người; đến năm 2020, đã có trên 1,128 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu Nghị quyết 28 đặt ra.

Để đạt kết quả đó là sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của hệ thống BHXH, trong đó công tác truyền thông để đưa chính sách BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Qua đó, công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chính sách BHXH tự nguyện đến với các tầng lớp nhân dân và người lao động, giúp người dân hiểu và tham gia.

PV - Để chính sách BHXH tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống, ngành BHXH Việt Nam đã có những đột phá gì trong công tác truyền thông, thưa ông?

Ông Đào Việt Ánh: BHXH Việt Nam đã có những giải pháp đổi mới mang tính bước ngoặt trong công tác truyền thông, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hình thức tuyên truyền về BHXH tự nguyện đi vào trọng tâm, ngắn gọn, súc tích về quyền, lợi ích và giá trị nhân văn của chính sách với các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ; bên cạnh truyền thông trên báo chí, BHXH Việt Nam còn tận dụng truyền thông trên các kênh mạng xã hội, tới từng nhà...

Phó TGĐ BHXH Việt Nam: Truyền thông là 'then chốt' trong phát triển BHXH tự nguyện ảnh 1

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Ngành BHXH cũng chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường truyền thông trực tuyến phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Đa dạng hoá hình thức tiếp cận thông tin tới người dân như qua các video ngắn, Infographic, Motion graphics.

BHXH các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền trên mạng xã hội với các chương trình trực tuyến về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Qua hoạt động tuyên truyền trên đã giúp người dân hiểu về chính sách BHXH, BHYT và tin tưởng tham gia; góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT.

PV - Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những kết quả đạt được trong công tác truyền thông thời gian qua?

Ông Đào Việt Ánh: Thời gian qua, để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện, ngành BHXH luôn bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện công tác truyền thông, trên nguyên tắc đúng và trúng nhóm người tiềm năng. BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để tăng cường tin bài, phóng sự, chương trình về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, với số lượng hàng chục nghìn tin bài mỗi năm. Các bài viết, chương trình tập trung vào làm rõ lợi ích, tính ưu việt của BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có BHXH tự nguyện, với các hình thức thể hiện đa dạng, sinh động, dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở...

BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh phối hợp với các bộ ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội để đưa chính sách tới các nhóm lao động ngành nghề khác nhau tận cơ sở, như nông dân, ngư dân, diêm dân, người lao động trong các làng nghề, xã viên hợp tác xã, tiểu thương...

Qua ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng mạng xã hội, BHXH Việt Nam cũng linh động để có hình thức truyền thông phù hợp. BHXH các địa phương đã lập hơn 6.780 trang tài khoản các nhân và cơ quan để truyền thông về các chính sách BHXH, BHYT, BHTN, với trên 128.000 sản phẩm truyền thông được đăng tải...

PV - Xin trân trọng cảm ơn ông!

Qua linh hoạt trong truyền thông, tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, dù dịch COVID-19 nên nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, nhưng 10 tháng năm 2021 số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn tăng mạnh. Cụ thể, toàn quốc đã có trên 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 69% kế hoạch được giao), tăng 77.800 người so với cuối năm 2020, và tăng 361.000 người so với cùng kỳ năm trước.

MỚI - NÓNG