Đây là loại văn bằng theo quy định là điều kiện bắt buộc để cán bộ quản lý được phép tham gia chấm thầu trong các hoạt động mua sắm của cơ quan từ nguồn tiền ngân sách.
“Thực tế vụ việc trên diễn ra từ năm 2007, từng có đơn thư nhưng chưa được khẳng định thực hư thế nào”- đại diện Bệnh viện Tim Hà Nội nói. Làm việc với phóng viên Tiền Phong hôm qua 4-10, phía Bệnh viện cũng cho biết việc bà Hưởng theo học lớp nghiệp vụ này là do cơ quan cử đi, cùng với một số cán bộ nhân viên khác và bằng nguồn tiền chi trả của đơn vị.
Xác minh của phóng viên Tiền Phong cho thấy, thời gian PGĐ Hưởng đi học và đi thi vào tháng 4-2007, cũng gần như trùng với thời gian đi du lịch tại Thái Lan của bà Hưởng.
Thời điểm tổ chức thi vào ngày 7-4- 2007, bà Hưởng vẫn đang ở Thái Lan. Một nhân chứng nằm trong danh sách đi học cùng với bà Hưởng đợt đó hiện đang làm việc tại Bệnh viện này khẳng định, bà Hưởng chỉ đi học một buổi, còn không thấy có mặt trên lớp và không đi thi.
Người này còn cho hay một nhân viên khác của bệnh viện không có trong danh sách cử đi học thời điểm đó tên là H, nhưng lại có mặt trong buổi thi lấy chứng chỉ này. Nhân viên H bị nghi ngờ là đã thi hộ chứng chỉ cho PGĐ Hưởng.
Được biết, mỗi năm, Bệnh viện Tim Hà Nội thường tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị và thuốc, vật tư tiêu hao với tổng trị giá từ 50 đến 70 tỷ đồng.
Trong nhiều gói thầu lớn, PGĐ Hoàng Thị Ngọc Hưởng thường tham gia với tư cách là trưởng ban quản lý dự án, hoặc tổ trưởng tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu.
Một chuyên gia quản lý đấu thầu cho biết, khi thành viên của tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu (chấm thầu) không có đủ tư cách chấm thầu như: không có chứng chỉ nghiệp vụ đấu thầu hoặc có chứng chỉ nhưng chứng chỉ đó không có giá trị pháp lý do gian lận thi cử thì đó là một trong những căn cứ để có thể tiến hành thanh tra toàn bộ hoạt động mua sắm, đấu thầu từ tiền ngân sách của cơ quan, đơn vị đó.