Theo thống kê của Bộ GD&&ĐT, điểm trung bình cao nhất thuộc về môn Giáo dục công dân với hơn 8,14 điểm. Đây cũng là môn thi có số lượng điểm 10 nhiều nhất - 4.163. Các môn Văn, Toán, Hóa học, Vật lý, Địa lý… đều có điểm trung bình hơn 6 điểm. Ba môn thi có điểm trung bình thấp là Sinh học, tiếng Anh và Lịch sử. Tiếng Anh ở đáy với điểm trung bình 4,57, kế đến là Lịch sử 5,19 điểm.
TS. Lê Trường Tùng, trường Đại học FPT, nói rằng, so với phổ điểm vài năm trở lại đây, phổ điểm năm nay không có bất thường. Môn Giáo dục công dân vẫn giữ vị trí quán quân, tiếng Anh, Lịch sử vẫn “đội sổ”. Đề thi dễ hơn, nên phổ điểm có dịch sang phải nhưng không có bất thường, vì số lượng thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở các môn học cơ bản không nhiều. Thậm chí, môn Toán, số lượng thí sinh đạt điểm 10 chưa bằng 1/3 năm 2019. Phổ điểm cho thấy những vấn đề của giáo dục vẫn còn nguyên, chưa có sự chuyển biến, ông Tùng nhận định. Trong khi đó, vị trí của các địa phương trên “bảng xếp hạng” điểm thi cũng không thay đổi so với những năm trước. Những tỉnh như Nam Định, Bình Dương, Hà Nam… vẫn giữ ngôi đầu, còn tốp cuối vẫn là những tỉnh miền núi phía Bắc.
Phổ điểm môn tiếng Anh được dư luận đặc biệt quan tâm. Thống kê cho thấy, điểm trung bình môn tiếng Anh năm nay tăng 0,2 điểm so với năm 2019 và 0,6 điểm so với năm 2018. Số lượng thí sinh có điểm dưới trung bình chiếm tới 63,13% tổng số 749.000 thí sinh dự thi. Sau 5 năm, chất lượng đào tạo tiếng Anh không tăng nhiều, điểm trung bình vẫn chỉ quay quanh số 4. Năm nay, điểm trung bình có tăng nhưng do đề thi đã được giảm độ khó và chương trình được tinh giản nhiều do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Với môn Lịch sử, năm nay tuy thoát vị trí cuối bảng nhưng vẫn là một trong hai môn có điểm trung bình thấp nhất trong 9 môn. Năm 2019, cả nước có tới 70% thí sinh thi Lịch sử có điểm dưới trung bình. Năm 2020, tỷ lệ này là trên 46%. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, đa số thí sinh trong số này chỉ dùng điểm môn Lịch sử đ? x?t t?t nghi?p. Do v?y, ngo?i vi?c ph?i h?c thu?c l?ng,ể xét tốt nghiệp. Do vậy, ngoài việc phải học thuộc lòng, đây được xem là nguyên nhân chính khiến thí sinh không tập trung học để có điểm cao môn này.
Ðiểm cao chưa chắc đỗ
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, với 5 tổ hợp xét tuyển sinh truyền thống là A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C00 (Văn, Sử, Địa) và D01 (Toán, Văn, Anh), điểm trung bình của thí sinh năm 2020 từ 18 điểm đến 21,46 điểm, cao hơn năm 2019 từ 2 đến gần 4 điểm. Theo thầy Nguyễn Tiến Long, Điều phối Chương trình Toán và khoa học hệ thống giáo dục Vinschool, Giảng viên Vật lý - CLB Trí Hiếu Study, tuy không có tình trạng mưa điểm 10 như năm 2017 nhưng số lượng thí sinh đạt điểm cao vẫn nhiều, nhất là mức điểm từ 24-27 điểm. Do đó, sẽ xảy ra tình trạng điểm cao chưa chắc đã đỗ, trường tốp đầu chưa chắc đã “hot”. Thầy Long dự đoán, rất có thể năm nay thí sinh sẽ “quay lô tô” trong xét tuyển đại học. Vì độ chênh lệch từ 0,2 điểm đến 0,8 điểm trong phân khúc điểm cao năm nay rất khó đoán.
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội, dự đoán điểm chuẩn vào ngành Y khoa sẽ thấp hơn điểm chuẩn 29,25 điểm năm 2017. Theo thầy Công, điểm chuẩn khó dự đoán hơn mọi năm do năm nay trường Đại học Y Hà Nội có điểm cộng cho thí sinh trong đội quốc gia nên không tương đồng về điểm xét tuyển như các năm trước. Mặt khác, việc trường Đại học Y dược TPHCM công bố mức học phí mới áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020 cũng là yếu tố tác động đến điểm chuẩn của trường khối Y dược. Thầy Công nhận định, mức điểm 29 của tổ hợp B00 được coi là khá an toàn để vào ngành Y khoa của trường Đại học Y Hà Nội. “Điểm chuẩn vào trường Đại học Y Hà Nội trong 5 năm qua luôn ở mức cao, cao nhất năm 2017 lên tới 29,25 điểm. Dựa vào phổ điểm mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, có thể điểm chuẩn vào trường Đại học Y Hà Nội năm 2020 sẽ cao hơn năm ngoái nhưng thấp hơn năm 2017”, thầy Công nói.
Tỷ lệ tốt nghiệp trên 98%
Chiều 27/8, tại phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 98,34%. Năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp là 94,6%. Bộ GD&ĐT đề xuất với Ban Chỉ đạo thi và Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức thi đợt 2 vào ngày 3-4/9 tới.
Thí sinh có 3 bài thi điểm 10
Đó là em Ngô Thu Hường, học sinh lớp 12A3 trường THPT Vĩnh Chân (Hạ Hoà, Phú Thọ) với 3 bài thi tổ hợp KHTN gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Ngoài bài thi 3 môn giành điểm 10, với các môn khác, em cũng đạt mức điểm cao: Toán 8, Ngữ văn 8,25. Hường nói rằng, em chỉ học trên lớp với thầy cô giáo, về nhà đọc sách giáo khoa và làm hết các bài tập được giao; em chưa từng đi luyện thi, học thêm ở các trung tâm. Hường dự kiến đăng ký xét tuyển khối C00 trường Đại học Luật Hà Nội vì thấy yêu thích và phù hợp với ngành luật.
Nguyễn Hà