Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến ngành giáo dục 2020 mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, năm học 2010 – 2021 là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1. Mặc dù có những bất cập trong quá trình biên soạn, thẩm định SGK nhưng Bộ GD&ĐT rất cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm và có những chỉ đạo kịp thời để rà soát, điều chỉnh phù hợp. Đây chính là cơ sở quan trọng và thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc thẩm định SGK, để tạo sự đồng thuận trong nhận định, đánh giá về chất lượng sách, đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm đến ý kiến rộng hơn, cụ thể là giáo viên chính là những người trực tiếp đứng lớp. “Đây là kênh thông tin rất quan trọng từ thực tế, giúp Bộ và Hội đồng thẩm định có sự lựa chọn sát hơn. Đây là hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giáo viên về SGK…”, bà Thanh nói.
Cũng theo bà Thanh, việc tập huấn giáo viên, Bộ GD&ĐT giao cho các nhà xuất bản phối hợp tổ chức tập huấn bồi dưỡng SGK lớp 1 đối với mỗi Sở GD&ĐT không quá 2 ngày là quá ngắn. Với thời gian ngắn như vậy, tập huấn không đủ thời gian để báo cáo viên và học viên kết nối, chia sẻ, tập trung sâu rộng để làm rõ ngữ liệu trong SGK, tiếp cận và khai thác SGK… Giáo viên sẽ phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo khi đã được tập huấn, bồi dưỡng một cách khoa học, hợp lý.
Từng có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, bà Thanh góp ý về ngữ liệu dùng trong SGK, nhất là SGK tiểu học phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, ý nghĩa giáo dục tường minh thì nội dung bài học ấn tượng hơn với học sinh. “Từ những bài học đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu đó sẽ dần giúp trẻ hình thành những cảm xúc tích cực để bồi dưỡng tâm hồn. Cứ như thế tình yêu gia đình, cộng đồng lớn dần qua từng bài học…”, bà Thanh nói.
Sở dĩ Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long có những ý kiến đóng góp về ngữ liệu SGK là vì trước đó, 5 bộ SGK mới triển khai dạy học thực tế được khoảng 1 tháng đã vấp phải phản ánh của dư luận về ngôn ngữ chưa phù hợp, các bài học dạy trẻ lươn lẹo, khôn lỏi. Các vấn đề nêu trên tập trung vào sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều. Sau đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng thẩm định rà soát và các tác giả đã thừa nhận sách có “thiếu sót”, buộc phải chỉnh sửa, dùng ngữ liệu phù hợp hơn.
Ngoài ra, bà Thanh cũng cho rằng, để giáo dục phát triển, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, nhất là vùng miền còn nhiều khó khăn. Đây là điều kiện cơ bản để thực hiện tốt Chương trình GDPT và SGK mới…