Hơn 2.600 người liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2
Chiều 6/5, Hà Nội họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố hết sức phức tạp, có nhiều lo lắng. Đặc biệt, tại một số tỉnh, thành phố, có các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Với Hà Nội, chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư rất phức tạp.
"Trước mắt, chúng tôi nhận định, các ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 sẽ tiếp tục tăng lên. Cùng với đó, lượng người nhà, người bệnh, thăm thân đã từng ra vào bệnh viện nhiều, nên rất đáng lo ngại, nguy cơ lây ra cộng đồng rất lớn. Dự báo, Hà Nội sẽ tiếp tục phát hiện các ca dương tính, các ổ dịch trong cộng đồng", bà Hà nêu.
Bà Hà cho biết, với chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, dịch đã lây lan ra một số quận, huyện của Hà Nội, trong đó, các địa phương như Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn có nguy cơ rất cao.
"Chúng tôi rà soát sơ bộ, từ 14/4 đến 5/5 có hơn 2.600 người đến khám bệnh, chăm sóc người bệnh, thăm nom; đã và đang rà soát, tiếp tục khoanh vùng, bao vây phòng, chống dịch", bà Hà nói.
Nói về việc hiện nay ở nhiều nơi xuất hiện các ca F0 chưa rõ nguồn lây, bà Hà cho rằng, việc cần thiết lúc này là người dân tự giác khai báo, có ý thức, đồng hành cùng chính quyền địa phương để có thông tin, sàng lọc nguy cơ. Sở cũng đã xây dựng kế hoạch xét nghiệm sàng lọc các đối tượng, các vùng có nguy cơ cao để xây dựng kịch bản cho công tác phòng, chống dịch.
Sở Y tế cũng đã quán triệt các bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch để đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực lấy mẫu, xét nghiệm, đảm bảo các vật tư y tế tiêu hao cho phòng, chống dịch, phân luồng người đến thăm khám. "Chúng tôi cũng chuẩn bị kế hoạch khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư quá tải về chữa bệnh COVID-19, sẽ điều hướng, phân luồng cho các bệnh viện của Hà Nội. Tại Bệnh viện dã chiến Mê Linh cũng có thể làm nơi cách ly F1 được ngay", bà Hà nói, đồng thời đề nghị thành phố tiếp tục tăng cơ sở dự phòng cách ly các trường hợp F1 cho các tình huống có hàng trăm bệnh nhân COVID-19.
Đặc biệt, bà Hà yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện các phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân về phòng chống COVID-19. Nếu cơ sở nào không đảm bảo thì kiên quyết thu hồi giấy phép, tránh để tình trạng lây lan dịch bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chung nhận định, tình hình diễn biến dịch bệnh ở Hà Nội hiện hết sức phức tạp, khó lường, nguy cơ lây trong cộng đồng rất cao.
Ông Dũng phân tích, hiện có nhiều nguồn lây khác nhau trong thời gian ngắn, cả ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Chủng virus lây lan nhanh, tỷ lệ F1 trở thành F0 cao. Việc lây nhiễm trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 rất phức tạp, nhiều người dân, người bệnh đến thăm khám, thăm thân... Địa bàn Hà Nội tiếp giáp với nhiều địa phương, một số tỉnh dịch cũng đang phức tạp. Người vãng lai đông, nguy cơ lây ra cộng đồng vì thế rất cao.
Ông Dũng nêu, nguồn lây chính trên địa bàn là từ các ca F0 trong cộng đồng. Thứ hai là từ các cơ sở cách ly tập trung, nơi cách ly F1, nơi cách ly các chuyên gia, công dân về nước. Cùng với đó là nguy cơ từ các ca nhập cảnh trái phép.
Phó Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tăng cường các biện pháp, ngăn chặn, cắt đứt cơ chế lây lan của dịch bệnh; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của T.Ư và thành phố; cách ly khẩn trương các F0, F1. Người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; thực hiện nghiêm quy tắc 5K; thực hiện nghiêm các yêu cầu về việc dừng các hoạt động không cần thiết.
"Việc này cần sự đồng thuận của các cấp chính quyền, người dân. Tuyên truyền phải tích cực, quyết liệt hơn. Việc xử phạt cũng phải công khai để răn đe, ngăn chặn", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu công an tăng cường nhắc nhở, xử phạt các trường hợp không tuân thủ quy định phòng dịch như không đeo khẩu trang. Việc tập thể dục tại vườn hoa, công viên vẫn diễn ra, đặc biệt tại khu Hồ Gươm.
Thành phố yêu cầu khi có ca bệnh phải cách ly diện hẹp nhất, nhưng phải đảm bảo an toàn, tránh làm hình thức. Các địa phương cần rà soát người liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư từ 14/4 - 5/5, lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm, yêu cầu cách ly tại nhà nghiêm túc.
Các khu cách ly tập trung phải đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo, đủ thời gian và số lần xét nghiệm theo quy định. Quản lý tốt nhân khẩu, phát hiện, xử lý nghiêm việc nhập cảnh trái phép.
"Yêu cầu các đơn vị, cơ sở kinh doanh diện được hoạt động phải đảm bảo phòng chống dịch, phải khai báo y tế. Công an cần vào cuộc, quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm, có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can các vi phạm phòng dịch", ông Dũng nêu.
Ông Dũng yêu cầu các bệnh viện, các cơ sở y tế phải đảm bảo an toàn. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nếu để có ca dương tính xảy ra trong cơ sở khám chữa bệnh thì rất khó khăn, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, giảm niềm tin của người dân với người làm công tác phòng chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Hà Nội lưu ý các địa phương có trường hợp công nhân có liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư thì phải đánh giá, nếu có yếu tố dịch tễ phải yêu cầu tạm dừng sản xuất để đánh giá nguy cơ, tránh tình trạng khu công nghiệp thành ổ dịch, rất khó để xử lý.
Ông Dũng cũng yêu cầu rà soát, đảm bảo các trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ cho cách ly, phòng chống, xét nghiệm, chữa trị COVID-19. "Đây là thời điểm rất cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp chính quyền, của cả hệ thống chính trị, vận động người dân chung sức phòng chống COVID-19", ông Dũng nói.