Theo ông Trường, Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 có quy định chung là: Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.
Tuy nhiên nếu cứ căn cứ vào “điểm tì” pháp lý đó mà bắt buộc tất cả xe ô tô đều phải trang bị bình cứu hỏa thì chưa chắc đã phù hợp. Vì đa số phương tiện nếu có cháy thì chủ yếu là từ động cơ, nhiên liệu mà ra chứ rất hiếm khi cháy từ trong khoang chỗ ngồi. “Việc trang bị bình cứu hỏa chỉ nên thực hiện đối với những xe từ 9 chỗ trở lên, còn xe 9 chỗ trở xuống thì theo tôi nên nghiên cứu và sửa đổi lại cho phù hợp”, ông Trường nói.
Ông Trường cũng bày tỏ sự băn khoăn về quy trình lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và nhân dân vào Dự thảo Thông tư 57 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị thiết bị PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo ông Trường, đây là quy định có mức tác động rất rộng, lẽ ra khi đề xuất Bộ Công an cần phải tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của các nhà sản xuất ô tô, Hiệp hội Vận tải ô tô, người lái xe ô tô… Bên cạnh đó khi tiếp thu ý kiến đóng góp vào Dự thảo phải coi trọng ý kiến của cơ quan chuyên ngành về an toàn kỹ thuật của phương tiện, nhất là ý kiến của Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT).
“Qua thông tin tôi biết thì Cục Đăng kiểm - cơ quan có trách nhiệm công bố an toàn kỹ thuật của phương tiện đã khẳng định, việc lắp đặt bình cứu hỏa đối với xe 4 chỗ ngồi là không cần thiết. Lẽ ra khi tiếp nhận ý kiến cơ quan soạn thảo Thông tư 57 cần phải lắng nghe, tiếp thu, chứ không nên bỏ qua”, ông Trường nói.
Cũng theo ông Trường, Bộ Công an, Bộ GTVT và các đơn vị có liên quan nên ngồi lại với nhau để thảo luận, bàn bạc xem lại quy định trên. Nếu cơ quan Đăng kiểm khẳng định, xe từ 4 chỗ đến 9 chỗ không cần thiết phải lắp đặt bình cứu hỏa thì Bộ Công an cũng nên xem xét sửa đổi lại quy định cho phù hợp.
“Tôi thấy ở các nước đa phần đều không quy định việc này thì chúng ta cũng không nên quy định, làm khác. Nếu chúng ta cứ quy định, nếu sau này người dân mua phải hàng trôi nổi, rồi những lý do kỹ thuật khác khiến bình cứu hỏa phát nổ, gây hại cho người dân thì lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm”, ông Trường nói.