Phó Bí thư Hà Nội: Thành quả chống dịch của thành phố bị thách thức sau đêm Trung thu

0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư Hà Nội: Thành quả chống dịch của thành phố bị thách thức sau đêm Trung thu
TPO - Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, thành phố vẫn có nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Một trong những nguy cơ đó chính là sự chủ quan của cả một số cơ quan quản lý và của người dân.

Trao đổi với phóng viên liên quan việc người dân thành phố đổ ra đường đông đúc để chơi Trung thu vào tối 21/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, người dân ra đường đông như vậy là không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. "Rất đáng trách là nhiều phụ huynh đưa cả trẻ em đi cùng" , ông Phong nói.

Theo ông Phong, việc này khiến thành quả chống dịch trong thời gian qua của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân Thủ đô bị thách thức rất lớn.

"Tôi mong người dân hãy rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, thường xuyên theo dõi sức khỏe và khai báo y tế. Công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định về phòng chống dịch. Đừng để thành quả bước đầu đạt được, công sức của chúng ta uổng phí vì sự chủ quan", ông Phong nêu.

Trước đó, tối 20/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 22, cho phép áp dụng nguyên tắc Chỉ thị 15 trên địa bàn thành phố, không áp dụng kiểm soát giấy đi đường, đồng thời nới lỏng một số hoạt động dịch vụ.

Thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, phải đảm bảo khoảng cách 2m, cấm tụ tập trên 10 người ở nơi công cộng, nhưng tối qua, hàng nghìn người dân Thủ đô đổ xuống đường đi chơi, làm ùn tắc một số tuyến phố trung tâm như quanh Hồ Gươm, phố Huế, Hàng Bài...

Trao đổi trên báo chí sáng 22/9, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nguyên nhân có thể do người dân có tư tưởng chủ quan là đã tiêm vắc xin.

Theo ông Nga, đây là chuyện không nên lặp lại vì thành phố mới mở cửa, chưa biết thế nào. Ngoài ra, còn nhiều người, trong đó có trẻ em chưa được tiêm vắc xin.

Ông Nga cho rằng, việc người dân kéo nhau ra đường rất đông trong đêm Trung thu đã không đúng khuyến cáo giữ khoảng cách, không thực hiện 5K, tập trung vào một chỗ đông người có nguy cơ lây lan dịch, dịch có thể bùng phát lên; còn nếu đi trên đường mà giữ được khoảng cách thì không có nguy cơ lớn.

Đặc biệt, sau vụ việc này, ông Nga cho rằng, ngành Y tế Hà Nội phải giám sát xem từ giờ đến đầu tháng 10, dịch có bùng phát hay không, nếu dịch bùng lên thì sẽ phải "trả giá đắt".

Ông Nga khuyến cáo người dân phải thực hiện đúng 5K, ai có triệu chứng ho sốt, mệt mỏi phải đi xét nghiệm ngay hoặc tự xét nghiệm. Chính quyền Hà Nội cũng phải quản lý chặt chẽ việc thực hiện phòng chống dịch.

Trưa 22/9, Sở Y tế Hà Nội công bố ghi nhận 5 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó đáng chú ý có chùm 2 ca bệnh có yếu tố cộng đồng ở phường Kiến Hưng (Hà Đông). Hai người này, gồm 1 người làm nghề cắt tóc ở quận Cầu Giấy, một người là nhân viên y tế ở phòng khám Medlatec tại Khu chung cư HH Thanh Hà (Thanh Oai). Theo cơ quan chức năng, sơ bộ ban đầu xác định có 21 trường hợp F1, đã được cách ly theo quy định.

MỚI - NÓNG