Phim tập trung vào nhóm nhà báo Spotlight (Tiêu điểm) có từ những năm 1970, tập hợp các cây bút điều tra xuất sắc, chuyên phanh phui các vụ tiêu cực lớn của tờ báo Boston Globe, Mỹ. Bốn nhà báo đặc biệt này gồm Robinson (Michael Keaton), Rezendes (Mark Ruffalo), Sacha Pfeiffer (Rachel McAdams) và Carroll (Brian d’Arcy James), và ông sếp mới Marty Baron (Liev Schreiber) quyết định đệ đơn buộc toà công khai hồ sơ vụ việc cha xứ lạm dụng hơn 80 đứa trẻ.
Đạo diễn Tom McCarthy tái hiện hậu trường vụ điều tra và đưa ra ánh sáng tội lỗi của những linh mục đẩy không ít đứa trẻ vào cảnh cùng quẫn nghiện ngập, tự tử. Trong suốt tám tháng, các nhà báo này lật lại hồ sơ, phỏng vấn các nạn nhân và phát hiện ra cả hệ thống tha hoá ở Boston. Nạn nhân chủ yếu là con nhà nghèo được các cha xứ để ý. Một nhân vật trong phim nói: “Làm sao các vị dám nói không với Chúa”, có những kẻ “nhân danh Chúa làm điều kinh khủng”.
Vào năm 2002, các nhà báo này đăng tải trên Boston Globe danh sách 70 linh mục phạm tội ấu dâm và hơn một nghìn đứa trẻ là nạn nhân. Sự việc này tạo ra làn sóng phát giác tội ấu dâm trên khắp thế giới. Vào năm 2003, nhóm nhà báo này nhận giải Pulitzer.
Dù không dựa trên cuốn sách nào cả, nhưng đạo diễn có sự hậu thuẫn lớn từ các nhà báo của toà soạn Boston Globe. “Trước đề tài này, chúng tôi tự thấy trách nhiệm đạo đức làm chính xác và sát thực tế nhất có thể”, Tom McCarthy nói.
Khỏi phải nói dàn diễn viên được yêu cầu cao tới mức nào, bởi họ vào vai các nhà báo điều tra xuất sắc. Nhà báo Rezendes nhớ lại, nam diễn viên Mark Ruffalo “đổ bộ đến nhà anh tay mở sổ ghi chép, điện thoại bật chế độ ghi âm và anh ấy hỏi tôi những câu hỏi hết sức riêng tư”. Còn nữ diễn viên Rachel McAdams “quấy rối” nhà báo Sacha Pfeiffer theo cách khác, khi bám theo cô trên phố để quan sát cách đi đứng. Trang phục, tác phong của các nhà báo ngoài đời cũng được đưa lên phim khá trung thực.
Các nhà phê bình không đánh giá quá cao phim ở khía cạnh kịch tính ở mảng phim điều tra nhưng giá trị nhân văn, giá trị sự thật thì không ai phủ nhận được. Không tập trung gây sốc ở cảnh lạm dụng, phim khiến người ta ám ảnh ở các cảnh phỏng vấn nạn nhân, những người bị tổn thương tinh thần ghê gớm, dẫn đến sự thay đổi không ngờ trong cuộc đời.
Thực tế phải mất nhiều năm vụ việc mới được đưa ra ánh sáng. Năm 1993 toà soạn Boston Globe nhắc đến vụ lạm dụng nhưng khi đó chưa được chú ý và rơi tõm vào quên lãng cho tới tận 2002. Chủ đề ấu dâm trong nhà thờ Công giáo được cho là nhạy cảm, tuy nhiên bộ phim nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Vatican vì một bộ phim “trung thực và thu hút”.
Chính người đứng đầu Vatican gần đây thừa nhận tỷ lệ khoảng 2% linh mục dính đến ấu dâm. Nhà thờ dũng cảm đối đầu với tội lỗi này thì chẳng có lí do gì mà các nhà báo, rộng hơn là xã hội không lên án. Chính vì thế mà vừa rồi khi đạo diễn Roman Polanski không bị dẫn độ về Mỹ do vụ ấu dâm từ năm 1977, Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan lên án truyền thông quá ưu ái, bảo vệ đạo diễn này. Tuy nhiên nạn nhân của Roman Polanski nhiều năm nay tuyên bố tha thứ cho ông.
Lễ trao giải Oscar 2016 hồi đầu năm còn để lại ấn tượng với tiếng nói mạnh mẽ lên án bạo lực và quấy rối. Ca sỹ Lady Gaga, một trong những nạn nhân là người nổi tiếng dám lên tiếng, kêu gọi không im lặng. Cái kết của bộ phim để lại ấn tượng mạnh: Hàng trăm độc giả gọi về toà soạn sau khi bài báo đầu tiên đăng tải, sau đó là danh sách hơn một nghìn nạn nhân của 249 cha xứ, linh mục dính vào scandal ấu dâm ở Boston.
Tiếng nói mạnh mẽ của điện ảnh
Các nhà làm phim khắp thế giới không ngừng đi tìm sự thật, mổ xẻ tội lỗi và nỗi đau đớn về thể xác cũng như tinh thần của các nạn nhân bị quấy rối. Dễ dàng kể tên những phim ấu dâm gây xúc động: Hình hài dấu yêu (Lovely bones), Sự im lặng (Silenced), Dòng sông bí ẩn (Mystic river), Hy vọng, Doute, Trust.