Philippines tính kéo Mỹ vào tranh chấp ở Biển Đông
> Mỹ - Trung ứng xử thế nào với tranh chấp trên Biển Đông?
> Philippines bác bỏ tuyên bố 'không quốc tế hoá' tranh chấp Biển Đông của Campuchia
Tổng thống Philippines tuyên bố rằng đối với nước này, các biện pháp ngoại giao mới để giải quyết bất đồng Biển Đông có khả năng sẽ bao gồm cả Mỹ - một trong những đồng minh thân cận nhất của Manila đã từng tuyên bố có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải qua các tuyến đường biển quan trọng ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino. |
Theo tạp chí Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), lời khẳng định trên được Tổng thống Benigno Aquino nêu ra ngay khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt đầu kết luận cuộc hội đàm ASEAN với Nhật Bản.
Tổng thống Aquino đột nhiên giơ tay và đứng lên tuyên bố: "Hôm qua một số nước thành viên bày tỏ quan điểm về sự đoàn kết của ASEAN đối với vấn đề Biển Đông nhưng các quan điểm đó không thể biến thành sự đồng thuận của ASEAN. Để giải quyết vấn đề này... con đường của ASEAN không chỉ là con đường cho chúng tôi. Là một nước chủ quyền, chúng tôi có quyền bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình."
Ngày 1911 các quan chức Nhật Bản cũng cảnh báo rằng những tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông có thể phá hoại "nền hòa bình và ổn định" ở châu Á.
Sau khi hội đàm với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết ông đã nêu vấn đề Biển Đông tại cuộc đàm phán, khẳng định đây là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi quan chức ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn ngày 18/11 tuyên bố các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã quyết định từ nay không quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Tiếp theo đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino bác bỏ tuyên bố của Campuchia và cho biết, ASEAN không hề đạt được thỏa thuận nào như vậy đồng thời quả quyết Philippines đã phản đối đến phút chót quan điểm của Campuchia trong các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Noda và các nhà lãnh đạo ASEAN.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết, ngày 18-11 các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí chính thức đề nghị Trung Quốc bắt đầu các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm giảm bớt nguy cơ từ các điểm nóng trên biển. Tuy nhiên trong cuộc gặp riêng Thủ tướng Campuchia Hun Sen tối 18-11 tại Phnom Penh, ông Ôn Gia Bảo đã tìm cách trì hoãn đề nghị nhanh chóng hành động của ASEAN.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương tuyên bố: "Phải mất một thời gian nhất định Trung Quốc và ASEAN mới có thể tiến hành thảo luận COC". Ông Tần Cương nhắc lại tuyên bố của Bộ Ngoại giao Campuchia rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã đi đến một "quan điểm chung" là không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông - tuyên bố này mâu thuẫn trực tiếp với Tổng thống Philippines Aquino và một số nước thành viên khác.
Trong khi đó, Thái Lan, nước giữ vị trí điều phối viên chính thức của ASEAN với Trung Quốc, dường như ủng hộ quan điểm của Mỹ cho rằng các nước bên ngoài ASEAN và Trung Quốc đều có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Ông Sihasak Phuangketkeow, Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, cho biết mặc dù tranh cãi lãnh thổ là vấn đề của các bên liên quan, nhưng an ninh và tự do hàng hải là mối quan tâm của quốc tế không thể bỏ qua./.
Theo Vietnam+