> Philippines và Mỹ tập trận hải quân chung
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez hôm 3-7. Ảnh: Inquirer.net. |
Ông Hernandez nói việc triển khai máy bay do thám của Mỹ này không nên hiểu là một hành động làm leo thang căng thẳng quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh. Đó chỉ là một phần thực hiện quyền chủ quyền của Philippines là giám sát vùng biển của mình.
Ông Hernandez cho biết, hiệp ước đồng minh giữa Philippines và Mỹ đã và đang giúp Manila phát triển khả năng phòng vệ. Điều này bao gồm cả việc Philippines có thể nhận biết tình trạng hàng hải tại các vùng biển thuộc chủ quyền của mình, ngoài ra còn do thám, thu thập thông tin tình báo.
Tuy nhiên, Phát ngôn viên Hernandez nói rằng, ông chưa có thông tin gì về việc khâu cuối cùng của kế hoạch nói trên đã có hay chưa. Theo ông, nếu đề nghị như vậy được phía Manila đưa ra đối với Washington thì nội dung sẽ là thám sát vùng biển.
Ông nói thêm rằng đó là một phần trong quyền chủ quyền của Philippines và điều mà Manila đang làm là theo dõi tất cả những điều gì đang diễn ra trên vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines.
Hiệp ước đồng minh Philippines-Mỹ đang hỗ trợ cho mục tiêu này nhằm phát triển hệ thống giám sát hàng hải trên biển Đông.
Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III nói ông có thể đề nghị Mỹ triển khai các máy bay gián điệp P3C Orion bay trên biển Đông, nhằm giúp theo dõi các vùng biển tranh chấp.
Tổng thống Aquino nói sở dĩ phải đề nghị Mỹ như vậy vì Manila không có các loại máy bay có khả năng do thám như P3C Orion của Mỹ.
Căng thẳng ở khu vực biển Đông tăng lên từ năm ngoái, khi Mỹ thông qua chính sách tăng cường ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng trước, Tổng thống Aquino cho rút các tàu vũ trang hạng nhẹ tuần tra ven biển và một thuyền cá từ khu vực bãi cạn Scarborough nằm cách tỉnh Zambales của Philippines 220 km về phía tây, lấy lý do thời tiết xấu, sau nhiều ngày đối đầu với các tàu Trung Quốc.
Tuần qua, Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã bắt đầu các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu tại vùng biển này.
Tổng thống Aquino nói ông muốn thảo luận tổng thể vấn đề này với Trung Quốc, nhưng trước khi làm điều đó, Tổng thống muốn triệu tập một cuộc họp nội các ngày 5-7 để thảo luận vấn đề chủ quyền trên biển và các mối quan hệ toàn diện giữa Philippines với Trung Quốc.
Manila đã mời Mỹ tiếp cận nhiều hơn các sân bay và căn cứ quân sự của Philippines. Đổi lại, Manila nhận được từ phía Mỹ nhiều thiết bị quân sự và giúp huấn luyện quân đội thường xuyên hơn.
Tổng thống Aquino gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington đầu tháng 6. Nhưng từ tháng 8 năm ngoái, Tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương đã đưa ra gợi ý rằng, Mỹ có thể triển khai máy bay do thám P3C Orion nhằm giúp Philippines kiểm soát được các vùng biển tranh chấp, sau khi Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Bãi cỏ rong (Reed Bank).
Lầu Năm Góc cho biết sẽ chia sẻ thông tin thực tế do máy bay P3C Orion thu thập được với Philippines. Ông Aquino nói rằng, Philippines có 36.000 km bờ biển mà không có radar nào phủ sóng được toàn bộ vùng này.
Tổng thống Aquino cho biết, ông không phản đối việc Washington cho tăng nhịp độ luân phiên các lực lượng quân sự Mỹ ở Philippines, nhằm giúp huấn luyện binh lính của nước ông.
Tổng thống Aquino cũng nói rằng Trung Quốc không nên báo động vì các nỗ lực này của Manila vì Philippines chỉ nhằm cải thiện năng lực giám sát trên biển của mình mà thôi.
Hôm 2-7, quân đội Mỹ và Philippines bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung hải quân kéo dài 9 ngày trên vùng biển Mindanao. Trong cuộc tập trận này, 450 lính hải quân Philippines và 500 lính Mỹ tham gia cùng với 4 tàu chiến, một tàu canh gác bờ biển của Philippines và hai tàu hải quân, một tàu tuần tra bờ biển của Mỹ.
Đ.P
Tổng hợp từ báo Philippines