Philippines hủy điều tra đội cận vệ tổng thống tiêm vắc-xin Trung Quốc chưa cấp phép

Ông Duterte không cho phép điều tra đội cận vệ vì chuyện tiêm vắc-xin Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Ông Duterte không cho phép điều tra đội cận vệ vì chuyện tiêm vắc-xin Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
TPO - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Philippines, tướng Gilbert Gapay, vừa hủy cuộc điều tra vụ đơn vị cận vệ của tổng thống tiêm vắc-xin COVID-19 Trung Quốc chưa được cấp phép.

Cuộc điều tra bị hủy sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte bác bỏ lời kêu gọi Thượng viện tiến hành điều tra.

Ngày 4/1, ông Duterte chỉ đạo lực lượng bảo vệ an ninh cho tổng thống “không chấp hành lệnh triệu tập” và “ở lại doanh trại” vì ông sẽ không để họ “bị đối xử tàn bạo” vì cuộc điều tra của Thượng viện.

Sau tuyên bố của ông Duterte, Lực lượng vũ trang Philippines thông báo dừng điều tra trách nhiệm hình sự đối với những binh lính liên quan.

Tuyên bố của ông Duterte được đưa ra sau khi có thêm thông tin được tiết lộ rằng ngoài đơn vị cận vệ này, ít nhất 100.000 người Trung Quốc đang làm việc trong các sòng bạc trực tuyến ở Manila cũng đã tiêm vắc-xin trái phép từ Trung Quốc trong tháng 11/2020.

Cơ quan có thẩm quyền của Philipines chưa cấp phép cho bất kỳ vắc-xin COVID-19 nào từ Trung Quốc, dù các hãng dược Trung Quốc đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm quy mô lớn ở cả trong và ngoài nước.

Ngày 31/12 vừa qua, Bắc Kinh cấp phép có điều kiện cho một loại vắc-xin của Sinopharm khi hãng này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn.

Trước đó, Chuẩn tướng Jesus Durante, chỉ huy lực lượng bảo vệ an ninh cho tổng thống, buộc phải thừa nhận rằng nhiều thành viên trong lực lượng này đã được tiêm vắc-xin (không nêu tên) từ Trung Quốc mãi từ tháng 9/2020, với lý do là họ có trách nhiệm bảo vệ cho lãnh đạo, dù việc này vi phạm quy định của chính phủ.

Ông Durante cũng nói rằng tổng thống chỉ được thông báo sau khi việc tiêm phòng đã xong, dù ông Duterte là người đầu tiên tiết lộ rằng lực lượng bảo vệ ông đã tiêm vắc-xin Trung Quốc.

Ông Durante không tiết lộ đã nhận được bao nhiêu liều vắc-xin, còn văn phòng tổng thống nói rằng vắc-xin này là “quà” từ Trung Quốc, dù nước này có quy định cấm vận chuyển các loại dược phẩm chưa được cấp phép.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói rằng số vắc-xin này bị đưa lậu vào Philippines, nhưng nói rằng việc làm của lực lượng cận về là “có thể thông cảm”.

Teresita Ang-See, lãnh đạo cộng đồng người Trung Quốc ở Philippines, nói hôm 4/1 rằng vắc-xin tiêm cho các nhân viên người Trung Quốc ở Philippines cùng loại với vắc-xin tiêm cho binh lính Philippines và được vận chuyển qua “một kênh chính thức”.

“Vắc-xin tiêm cho họ là hợp pháp, từ nguồn hợp pháp, đến từ một kênh chính thức nên tôi nghĩ là tốt”, bà Ang-See được báo chí địa phương dẫn lời.

Theo số liệu về lao động của Philippines, khoảng 140.000 người Trung Quốc được cấp phép làm việc ở nước này trong năm 2019. Bắc Kinh nói rằng đã bắt đầu chương trình tiêm phòng cho công dân của họ làm việc ở nước ngoài từ giữa năm ngoái.

Theo theo Al Jazeera
MỚI - NÓNG