> Việt Nam lần đầu tổ chức Đại hội Quốc tế ngữ Toàn cầu
Nhà văn Thuận (trái) và dịch giả Đoàn Cầm Thi tại lễ ra mắt Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại tại Pháp. Ảnh: Dạ Thảo Phương. |
Là người có công đầu trong việc xây dựng tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” vừa được chính thức ra mắt tại Pháp. Xin chị cho biết ý tưởng về việc thành lập tủ sách này?
Sau khi đã giới thiệu các nhà văn Việt Nam thế hệ mới ở một số nhà xuất bản khác nhau như Philippe Picquier và Le Seuil, tôi nhận thấy một điều hiển nhiên là muốn lôi kéo được mối quan tâm của độc giả khối Pháp ngữ, thì công việc này cần phải được thực hiện một cách hệ thống hơn.
Vì vậy, tôi đã thuyết phục nhà xuất bản Riveneuve thành lập một tủ sách. Họ đồng ý với điều kiện phải có sự tham gia của Thuận.
“T mất tích” là tiểu thuyết mở màn. Một ê kíp dịch giả ra đời gồm các giáo sư đại học khác như Emmanuel Poisson, Nguyễn Phương Ngọc, Danh Thành Đỗ-Hurinville,…
Giới thiệu những gương mặt mới của văn học Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn ý thức được tính phiêu lưu của mình: Làm thế nào có được chỗ đứng trong thế giới sách Pháp bao la? Tìm cách chen chân giữa một đội quân mỗi năm đông thêm ít nhất hai ngàn tựa (chỉ nguyên tiểu thuyết) có lẽ là một chuyện điên rồ.
Càng điên rồ hơn khi đa số các nhà xuất bản Pháp trước thành công của những nhà văn kiểu Mạc Ngôn, ngả mũ gút bai ngay các ý đồ tìm tòi sáng tạo. Hai chữ “Việt Nam” cũng không còn được coi là hàng hiệu.
Văn học Việt hình như chỉ được nhớ đến khi người Pháp chuẩn bị va-li trước khi sang du lịch Hạ Long.
Mà số phận những cuốn sách Việt cũng giản dị lắm nhé: trước khi du khách Pháp về nước, chúng được vứt lại khách sạn để nhường chỗ trong va-li cho các khăn bàn thêu ren và tranh sơn mài, cũng lại vịnh Hạ Long!
Hoạt động của tủ sách được lên kế hoạch ra sao?
Chúng tôi dự định đầu năm tới sẽ in ba tiểu thuyết: “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà do tôi dịch, “Boléro Météo” của Đỗ Khiêm viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, “Thang máy Sài Gòn” của Thuận do tác giả và Janine Gillon cùng dịch.
Hiện nay chúng tôi đang tiến hành dịch “Thoạt kỳ thủy” của Nguyễn Bình Phương và “Blogger” của Phong Điệp. Một số tác phẩm khác cũng đang được đưa ra bàn luận.
Sẽ có một “hội đồng thẩm định” các tác phẩm được lựa chọn giới thiệu trong tủ sách này?
Vâng, tôi cũng chỉ là thành viên hội đồng thôi. Nguyên tắc của chúng tôi là tranh luận và sau đó là bỏ phiếu.
Hôm 12- 10 vừa rồi, nhà xuất bản Riveneuve đã tổ chức một buổi ra mắt “T mất tích” và tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” tại nhà sách Le Phénix, ngay trung tâm Paris. Tại lễ ra mắt, hoa hồng cũng tấp nập như câu hỏi. Ký sách mỏi tay và cười hết cỡ. TS Đoàn Cầm Thi |
Những tác giả nào sẽ có cơ hội xuất hiện trong tủ sách này?
Chúng tôi có hai tiêu chí: một cái nhìn và một văn phong. Cụ thể, chúng tôi tuyển chọn các tác phẩm thể hiện thời đại hôm nay qua một lối viết chủ quan nhất, sáng tạo nhất.
“Cơ hội của Chúa” là một ví dụ. Cái làm nên thành công của nó chính là bốn cái “tôi” vừa tương đồng vừa đối lập. Như những cái gương soi vào nhau, nhân vật này phản chiếu và rọi tỏ nhân vật kia.
Qua bốn nhật ký của họ, các sự việc được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, bổ sung nhau nhưng cũng có khi phản bác nhau. Đó là cách Nguyễn Việt Hà thể hiện thế giới hôm nay, không thuần nhất mà bí hiểm, bất ổn, hoài nghi.
Tủ sách của chúng tôi luôn ủng hộ sự sáng tạo. “T mất tích” trong bản Pháp văn có thêm một “phi lộ”. Trong một hơi dài liền mạch nhưng vô cùng lộn xộn, một phụ nữ Việt Nam xưng “tôi” tự giới thiệu là tác giả của “T mất tích”.
Một phi lộ dài mươi trang nhưng đủ làm cho tác phẩm vốn phức tạp càng thêm phức tạp, đem lại cho nó một chiều kích văn học, địa lý, chính trị, văn hóa mới. Đặc biệt một nhịp điệu mới.
Tại sao tủ sách chỉ “khoanh vùng” trong phạm vi văn học Việt Nam đương đại?
Truyện Kiều thì trăm năm vẫn còn đó, nhưng những cái mới thì yếu đuối dễ vỡ hơn và vì vậy cần được nâng niu. Hơn nữa, đọc những người cùng thời là một nhu cầu. Nghệ thuật hôm nay hình dung thế nào về thế giới chúng ta đang sống? Có lẽ câu hỏi này ám ảnh bất cứ ai trong mỗi chúng ta.
Chị và các thành viên đồng sáng lập có tự tin rằng những kì vọng của mình vào tủ sách này sẽ đạt được như mong muốn?
Chúng tôi tin rằng nghệ thuật đích thực trước sau sẽ được công nhận, dù chỉ là thiểu số.
“Chinatown” của Thuận, một tác phẩm được công luận coi là kén độc giả, đã được đón chào khá nồng nhiệt. Tuy nhiên (và may thay), không có thành công nào là vĩnh viễn.
Mỗi cuốn sách ra đời là một cuộc phiêu lưu mới đầy bất ngờ. Có thể chúng tôi là những con dã tràng, nhưng dẫu sao thì dã tràng cũng có sinh mệnh riêng của nó. Ít nhất, nó có một niềm tin và một đại dương để hướng tới…
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện
Diệp Anh
Thực hiện