> Chuyện tư pháp ghi ở nước Nga
Thủ đô Matxcơva của Nga và các địa phương lân cận có rất nhiều xưởng may của người Việt. Tại một nhà máy bỏ hoang ở thành phố Ivanchievka (huyện Pushkin, tỉnh Matxcơva) có tới vài chục xưởng may nhỏ.
Một đêm cuối năm 2012, nhiều lực lượng cảnh sát Nga dưới sự chỉ huy của các điều tra viên Liên bang bất ngờ ập vào địa điểm này, khám xét, thu giữ hàng loạt hàng may mặc thành phẩm của người Việt.
Cùng lúc, ở một khu tập thể cao tầng nội ô Matxcơva, cảnh sát cũng ập vào hai căn hộ người Việt thuê để ở, khám xét, thu giữ một số giấy tờ, tài sản.
Theo hồ sơ chúng tôi được nghiên cứu, việc khám xét trên nhằm điều tra vụ án “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển với mục đích buôn bán các mặt hàng và dịch vụ không đạt yêu cầu an toàn sinh mạng và sức khỏe người tiêu dùng”, cơ quan điều tra (CQĐT) liên bang khởi tố theo Điều 238 Bộ luật Hình sự Nga.
Luật pháp Nga xử phạt rất nặng hành vi sản xuất, buôn bán những mặt hàng ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Những vụ án với tội danh này được coi là “đặc biệt nghiêm trọng”, luật pháp cho phép CQĐT khám xét chỗ ở công dân khi chưa có lệnh của tòa án. Tuy nhiên, ngay sau đó, họ phải nộp cho tòa các văn bản, tài liệu chứng minh việc khám xét là cần thiết và đúng luật.
Tòa án Ivanchievka đã mở tòa xem xét hồ sơ của CQĐT (có mặt đại diện CQĐT và viện kiểm sát). Hồ sơ khám xét nơi sản xuất, tòa trả lại, bởi luật chỉ quy định thẩm quyền của tòa khám xét nơi ở.
Đã qua rồi thời kỳ hậu Xô Viết với nhiều biến loạn gây cảm giác “luật rừng” lên ngôi. Nước Nga hôm nay có một nền tư pháp dân chủ, tiến bộ, đủ mạnh để duy trì trật tự chung trên nền tảng đảm bảo các quyền cơ bản của con người và của công dân. |
Về hồ sơ khám xét hai căn hộ, tòa tuyên bố “công nhận việc khám xét nhà ở của hai công dân Việt Nam (…) là hợp pháp và có cơ sở”; “quyết định này có thể khiếu kiện đến tòa án tỉnh Matxcơva trong thời hạn 10 ngày từ lúc công bố”.
Phiên tòa trên cho thấy rõ những đổi mới trong hoạt động tư pháp của Nga. Số báo trước chúng tôi đã nêu, khi quyền lực tư pháp thuộc về tòa án, các thủ tục tố tụng và việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp sẽ được giải quyết công khai, dân chủ, theo trình tự kịp thời và chặt chẽ, nhờ đó hạn chế các sai phạm tố tụng.
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Trong vụ án trên, một trong những căn cứ để khởi tố vụ án là đơn của người dân gửi đến CQĐT, tố cáo một số người Việt (trong đó có hai người bị khám xét nơi ở) sản xuất hàng may mặc từ loại vải được nhuộm và in bởi những hóa chất gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Hai nghi can người Việt bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Họ đã thuê các luật sư Nga bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Tiếp xúc với các luật sư, chúng tôi đặt câu hỏi: “Hai người Việt chưa bị khởi tố bị can, sao lại bị áp dụng biện pháp ngăn chặn?”.
Vị luật sư trông rất đĩnh đạc giải đáp: “Trước đây, chúng tôi cũng không có quy định này. Luật hiện nay cho phép CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn với nghi can trong một số trường hợp cần thiết, thời hạn không quá 10 ngày”.
Nghe vậy, lại nhớ đến vụ án Dương Chí Dũng, sau khi đối tượng bỏ trốn, đã có ý kiến đề xuất cần sửa luật theo hướng được phép áp dụng biện pháp ngăn chặn với nghi can.
Mỗi người đều có quyền được trợ giúp pháp lý. Trong những trường hợp được pháp luật Liên bang quy định, sự trợ giúp pháp lý không mất tiền |
Về vụ án liên quan đến hai người Việt, các luật sư Nga nhận xét: CQĐT không đủ căn cứ để cho rằng hai thân chủ của họ liên quan đến hoạt động sản xuất hàng may mặc tại Ivanchievka.
Riêng về tố tụng, các luật sư cho rằng thời điểm ra quyết định khởi tố vụ án, CQĐT chưa thu giữ được mẫu vải, mẫu quần áo, đương nhiên chưa có kết quả giám định các mẫu vật, song họ vẫn khởi tố vụ án với tội danh như đã nêu là trái quy định pháp luật (việc này liên quan đến thẩm quyền của CQĐT).
Sau buổi tiếp xúc với các luật sư, chúng tôi được biết, họ đã khiếu nại ra tòa. Tòa án Ivanchievka mở tòa, yêu cầu CQĐT trưng ra các văn bản, tài liệu, vật chứng, để chứng minh việc khởi tố vụ án có đủ căn cứ và thực hiện đúng luật định.
Phiên tòa kéo dài bởi phía CQĐT xin hoãn nhiều lần. Thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, CQĐT đã đình chỉ vụ án hình sự - một kết quả có lợi cho hai công dân Việt Nam.
Dịch vụ pháp lý - cung chưa đủ cầu
Cử nhân luật Nguyễn Đình Tú (người được nêu ở số báo trước) nhận xét, nước Nga hiện thiếu rất nhiều luật sư so với nhu cầu hoạt động tư pháp. Theo anh Tú và nhiều người Việt khác, ở Nga chưa có người Việt hành nghề luật sư chuyên nghiệp.
Trên một số tờ báo của người Việt (chủ yếu đưa tin các vụ án và rao vặt), chúng tôi thấy đăng vài mẩu quảng cáo “dịch vụ pháp lý”, cũng mới dừng lại ở các dịch vụ làm hộ chiếu, xin gia hạn visa (thị thực nhập cảnh), xin giấy phép lao động, đăng ký tạm trú…
Qua rồi thời kỳ biến loạn, nước Nga hôm nay đem lại cảm giác thanh bình cho du khách. |
Qua tìm hiểu được biết, chỉ một số lao động trong các cơ sở sản xuất của người Việt ở Nga có đủ các giấy tờ nước bạn quy định. Số khác chưa có đầy đủ, họ thường bị o ép bởi chính người Việt mình. Ngay các tiểu thương nhiều năm cư trú ở Nga, việc làm ăn buôn bán ở các chợ (lập ra kiểu tự phát) về pháp lý cũng rất bấp bênh.
“Hai mươi năm buôn bán bên này, chúng tôi qua năm chợ rồi, mỗi lần vỡ chợ là một lần mất tài sản” - chị Nga, một tiểu thương chợ Liublino ở Matxcơva tâm sự - “Mọi người đang tính cố gắng mua lấy gian hàng tại Incentra, ở đấy họ có hẳn một đơn vị chuyên lo dịch vụ visa, giấy phép cho người Việt Nam” (Incentra là một tổ hợp lớn căn hộ, khách sạn, siêu thị hợp pháp, do người Việt là chủ đầu tư).
Nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người Việt ở Nga không dừng ở visa, giấy phép lao động. Còn có rất nhiều vụ tranh chấp tài sản, hôn nhân - gia đình, và cả những vụ án hình sự tuy không nhiều. Không phải người Việt nào cũng thuê được luật sư Nga, bởi giá rất đắt (tính theo giờ làm việc). Nhiều người mong muốn các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài có thêm các luật sư, luật gia, để trợ giúp pháp lý cho cộng đồng người Việt.
Ở bài “Hỗ trợ, bảo vệ người Việt ở nước ngoài” trên Tiền Phong gần đây, chúng tôi kiến nghị việc sửa đổi Hiến pháp cần hướng nhiều hơn nữa đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ phải làm tốt hơn nữa việc bảo hộ, bảo vệ, hỗ trợ những đồng bào cùng một gốc con Lạc cháu Hồng, những người dù vị trí hoàn cảnh khác nhau song luôn dành một tình cảm thiêng liêng hướng về Tổ quốc…