Phía sau một tác giả best-seller - Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh
TP - Chiều cuối năm “người nông dân” đang mải “cày” trên laptop, bỗng điện thoại réo rắt, đầu dây bên kia là tác giả “Ngõ lỗ thủng”: “Em đang làm gì? Anh có thể trao đổi một lát được không?”. Tôi bỗng hơi lo, không biết có việc gì mà giọng Trung Trung Đỉnh khẩn cấp? Nhà văn nói nhanh: “Mấy ngày qua anh đọc Nguyễn Nhật Ánh, đọc nghiêm túc theo tính chất nghiên cứu hẳn hoi, thì phát hiện: “Nó” tài thật đấy”. 

Kẻ “Lạc rừng” đưa ra một loạt dẫn chứng để chứng minh điều ông nói có cơ sở đàng hoàng. Sau đó, Trung Trung Đỉnh kết luận hùng hồn: “Anh sẽ viết một bài để bọn nó (tức bạn bè trong giới văn chương) phải nể Nguyễn Nhật Ánh”. Tôi thở phào nhẹ nhõm, hóa ra một phát hiện “xưa như trái đất”.  Tưởng chuyện thế là hết. Nào ngờ, con người hồn nhiên và vui tính ấy vẫn tiếp tục: “Cho nên, anh nói với em thế này. Em phải quan sát con gái em, xem nó lớn lên thế nào, để viết. Anh đọc Nguyễn Nhật Ánh thấy “nó” rất chịu khó  quan sát bọn trẻ…”. Chờ Trung Trung Đỉnh tuôn hết dòng cảm xúc sau phát hiện “vĩ đại”, tôi mới đề nghị:  “Em sẽ đưa con gái tới thăm anh thường xuyên, để anh trực tiếp quan sát nó, rồi viết. Nếu sách ra cũng cháy hàng như Nguyễn Nhật Ánh thì nhớ trả một phần nhuận bút cho bé con”.

Phía sau một tác giả best-seller - Nguyễn Nhật Ánh ảnh 1 Cảnh trong phim: "Mắt biếc"

Trước đây, khi chưa chịu đọc Nguyễn Nhật Ánh nghiêm túc, Trung Trung Đỉnh thường xuyên nói đùa: Sẽ làm lu mờ Nguyễn Nhật Ánh.  Đã có lần tôi hỏi: “Anh đã thử viết truyện cho lũ trẻ chưa mà đòi làm lu mờ Nhật Ánh?”. Trung Trung Đỉnh “khai”: “Nhiều rồi chứ. Nhưng lượng phát hành cũng chỉ vài ngàn cuốn. Không ăn thua”. Nói xong, nhà văn cười lớn và bình luận: “Nhà văn cũng như người bán hàng. Có người có duyên. Có người vô duyên”. Tác giả của tập chân dung “Nhà văn thì phải biết đùa” quả là rất biết đùa! Nếu chỉ dựa vào duyên thì trải qua quá nhiều năm duyên cũng phải cạn như người con gái từ “kẻ đón người đưa” tới “đi sớm về khuya một mình”. Có lần tôi đã hỏi Nguyễn Nhật Ánh về thời gian mỗi ngày của anh dành cho việc viết. Anh bảo, sáng nào anh cũng viết, đến khoảng 2.000 chữ thì dừng. Mà cũng có những khoảng thời gian bất lực. Người ta chỉ thấy một tác giả best-seller vinh dự, tự hào với lượng fan khổng lồ suốt từ Nam chí Bắc, cùng những tác phẩm được chuyển thể điện ảnh ăn khách… Mấy ai biết  để đến được miền “hoa vàng trên cỏ xanh” cũng mướt mồ hôi. Phu nhân của nhà văn từng nói vui: “Lao động như vậy, viết ra tác phẩm như vậy lẽ ra Nhà nước nên tặng huy chương lao động cho anh Ánh”. Nhưng chị hiểu chồng mình “không xin huy chương và không cần huy chương”.

Phía sau một tác giả best-seller - Nguyễn Nhật Ánh ảnh 2 Photo: ..

Trong gia đình tôi có một “fan cuồng” Nguyễn Nhật Ánh, đó là em gái tôi. Hồi chớm đông, Nguyễn Nhật Ánh ra Hà Nội giới thiệu cuốn sách mới “Làm bạn với bầu trời”, tôi đã xin anh viết cho nàng một lời đề tặng vào cuốn sách. Mang sách về, nàng vui sướng và cảm động nên chụp ảnh khoe  trên facebook, một điều thật hiếm thấy, vì nàng  ít chơi “fây”, còn mải kinh doanh, buôn bán. Ngoài bức ảnh chụp cuốn sách với lời đề tặng của Nguyễn Nhật Ánh, nàng  viết thêm mấy dòng: “Xưa, mẹ cho một ngàn đồng để ăn sáng nhưng không dám ăn, dành tiền thuê “Kính Vạn Hoa”. Lúc đó, chỉ ao ước là người thuê đầu tiên để được hít hà mùi giấy mới”. Cái thuở xa xưa, tôi đắm đuối với “Nhà thờ Đức Bà Paris”, lúc nào cũng mơ mộng được ai đó si mê mình như chàng gù mê nàng Esméralda xinh đẹp, nên có lần tôi hỏi nàng: “Nguyễn Nhật Ánh có gì hay?”. Thay cho câu trả lời, nàng kể một đoạn trong “Kính Vạn Hoa” và cười ha ha. Sau này, nàng còn kể cho tôi chuyện chàng phù thủy cưỡi chổi và khuyến khích tôi đọc “Bảy bước tới mùa hè”. Nhưng Nguyễn Nhật Ánh chẳng thiếu những fan cuồng như em gái tôi. Tôi biết một cô bé dân tộc bị bệnh bẩm sinh về mắt rất yêu sách của Nguyễn Nhật Ánh.

Biết được điều này, mỗi lần ra sách mới anh đều thông qua tôi gửi tặng cô bé và bạn bè cô bé một số cuốn sách, tất nhiên có kèm chữ ký của anh. Mới rồi, cô bé đoạt giải ba môn văn toàn thành phố, mẹ cô bé khoe với tôi: “Nhờ đọc văn bác Ánh đấy”. Fan yêu Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Nhật Ánh cũng yêu fan. Ngoài biệt tài ký trăm chữ như một, Nguyễn Nhật Ánh còn giỏi nhớ tên fan. Em gái tôi lặng người khi Nguyễn Nhật Ánh nhớ cả họ, tên đầy đủ của  nàng, dù chỉ một lần ghi tên nàng trên lời đề tặng trong cuốn sách. Tôi cũng chưa từng nghe Nguyễn Nhật Ánh tuyên bố: Tôi viết văn trước hết vì tôi, nhất định không chiều lòng “thượng đế” như không ít nhà văn vẫn nói. Ngược lại, anh còn tỏ ra khá tham lam khi tặng tác phẩm của mình cho cả những người không còn là trẻ con.

Nguyễn Nhật Ánh sắp có thêm fan mới: Trung Trung Đỉnh. Không chỉ khen truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, tác giả “Ngõ lỗ thủng” còn khen cả tản văn của chàng: “Nó viết siêu đấy”. Đúng là “siêu” thật. Chỉ cần đọc “Tết bỗng nhớ lụa là” có lẽ cũng đủ để nhiều người viết văn chuyên nghiệp phải ngả mũ phục anh. Vẫn là chuyện trẻ con nhất định phải có quần áo mới diện tết nhưng Nhật Ánh viết duyên đến lạ lùng, đọc đến cuối tản văn độc giả mới mỉm cười nhận ra, “lụa là” không chỉ là quần áo: “Mười ba, mười bốn tuổi chiếc áo mới ngày Tết với tôi không quan trọng nữa. Tôi bắt đầu chú tâm đặc biệt đến bộ đồng phục học sinh là bộ đồ ngày ngày tôi vẫn mặc để lượn lờ trước mặt bọn con gái trong trường”; “Hai năm lớp tám, lớp chín, mẹ tôi xoay xở đủ cách để tôi có áo quần ăn diện, Vậy mà con Lụa chẳng động lòng mảy may. Học hết cấp hai, không hiểu sao nó nghỉ học ngang, ở nhà lấy chồng. Chồng nó học cùng lớp với tôi nhưng lớn hơn tôi bốn tuổi. Mà “tình địch” của tôi có bảnh bao gì cho cam. Nó cứ quần kaki, áo vải phin mà lấy được vợ, lạ ghê. Năm đó, tôi mười bốn tuổi” (trích “Tết bỗng nhớ lụa là” trong tập tản văn “Thương nhớ Trà Long”).

Phía sau một tác giả best-seller - Nguyễn Nhật Ánh ảnh 3 Cảnh trong phim: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Trước khi trở thành nhà văn, Nguyễn Nhật Ánh là một nhà thơ thứ thiệt. Cho nên, truyện Nguyễn Nhật Ánh hay “gài” thơ. Thơ Nguyễn Nhật Ánh thật ra rất quen thuộc với nhiều thế hệ, chẳng qua “thượng đế” hay nhớ tên người phổ nhạc, lại quên tác giả của ca từ: “Hàng me xanh ngắt/Có tự bao giờ/Mà nay đứng đó/Cho em làm thơ/Con đường ta qua/Đến nay bao tuổi/Em qua trăm buổi/Em lại nghìn lần/Sao còn bối rối/Khi cầm tay anh”… Nguyễn Nhật Ánh viết “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” khi mới ngoài 20 tuổi. Bây giờ đã ngoài 60 cũng chẳng chắc anh đã bớt bối rối hơn xưa. 

Em gái tôi lặng người khi Nguyễn Nhật Ánh nhớ cả họ, tên đầy đủ của  nàng, dù chỉ một lần ghi tên nàng trên lời đề tặng trong cuốn sách.

Phu nhân của nhà văn từng nói vui: “Lao động như vậy, viết ra tác phẩm như vậy lẽ ra Nhà nước nên tặng huy chương lao động cho anh Ánh”.

MỚI - NÓNG