Phí phát hành sách giáo khoa: Cần minh bạch, công khai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo chuyên gia, tỷ lệ phí phát hành bán sách giáo khoa cần minh bạch, ai cũng có quyền được hưởng nếu tham gia phát hành.

Trường và giáo viên không hưởng

Năm học 2023-2024 vừa kết thúc, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được phát phiếu đăng ký mua sách giáo khoa năm học 2024-2025 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống).

Đơn cử, trong danh sách đăng ký sách giáo khoa lớp 5 năm học 2024-2025 có 22 đầu sách giáo khoa và vở bài tập. Tổng trị giá bộ sách này là 448 nghìn đồng và đến nay những phụ huynh đăng ký mua sách đã nộp đủ tiền. Theo tính toán, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (không tính vở bài tập, sách bổ trợ), nếu chiết khấu thấp nhất là 11% thì số tiền “hoa hồng” được đơn vị phát hành trích lại số tiền tương đương là 49,28 nghìn đồng/bộ.

Phí phát hành sách giáo khoa: Cần minh bạch, công khai ảnh 1

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm học 2023-2024 chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào lớp 1 của trường 360 học sinh. Nếu tuyển đủ hằng năm, ước tính toàn trường sẽ có khoảng 1.800 học sinh. Như vậy, ước tính mỗi năm, tỷ lệ % phí phát hành từ mua sách giáo khoa tính cho tổng số lượng học sinh mua sách là khoảng 80 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót cho biết, bộ phận thư viện của nhà trường sẽ phụ trách việc mua sách giáo khoa năm học mới trên cơ sở đăng ký của học sinh. Sách giáo khoa được mua theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân về nội dung, danh mục sách các môn học. Khi hỏi về chiết khấu từ sách giáo khoa, bà Ngọc cho biết, “nhà trường không được hưởng”. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo viên cũng không được hưởng phần trăm phí phát hành bán sách.

Từ cuối năm học trước, học sinh lớp 1 của Hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội), được phát danh sách đăng ký mua sách lớp 2 năm học 2024-2025. Trong danh sách này, có 21 đầu sách, gần một nửa là sách bài tập thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Đến ngày 12/5, phụ huynh đã hoàn tất đăng ký mua sách và đóng tiền cho giáo viên chủ nhiệm.

Giá từng cuốn sách giống giá niêm yết của đơn vị phát hành. Tổng giá trị bộ sách là 351 nghìn đồng. Tính theo tỷ lệ % phí phát hành được chiết khấu (thấp nhất 11%) thì mỗi bộ sách học sinh được hưởng ưu đãi là 38,6 nghìn đồng. Theo tìm hiểu, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 của cấp Tiểu học của hệ thống năm 2024 là 320 học sinh. Toàn cấp 1 trong nhà trường ước tính có 1.600 học sinh, tương đương với số tiền được chiết khấu khoảng 61 triệu đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, hiệu trưởng một trường tư thục khác cho biết, trường được hưởng chiết khấu khi mua sách. Theo tiết lộ của một hiệu trưởng trường tư thục tại Hà Nội, nhà trường mua sách theo hướng dẫn của phòng giáo dục và phần trăm chiết khấu từ sách giáo khoa cho trường chỉ từ 5% đến 7%. Tuy nhiên, thông thường hàng năm, số học sinh đăng ký theo học chênh lệch, không đều nên tỷ lệ % phí phát hành được trích lại đủ bù cho số sách giáo khoa mua thừa hoặc sách giáo khoa phục vụ cho giáo viên nghiên cứu, giảng dạy.

Nhà xuất bản cần công khai tỷ lệ phần trăm

Năm học 2023-2024, toàn thành phố Hà Nội có 145 trường THPT, 826 trường Tiểu học, 675 trường THCS với khoảng 2,3 triệu học sinh. Như vậy, số tiền chiết khấu từ sách giáo khoa cho học sinh trên toàn thành phố Hà Nội ước tính lên đến nhiều chục tỷ đồng. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, cấp THCS có 6,5 triệu học sinh, cấp THPT có 2,9 triệu học sinh và số học sinh tiểu học là 8,9 triệu em. Như vậy, thị trường SGK, sách bài tập có khoảng 18,3 triệu khách hàng.

Dựa trên các danh sách đăng ký mua sách của phụ huynh cung cấp ở trên, tạm tính bình quân cộng tất cả sách giáo khoa các lớp lại, cả chương trình hiện hành, chương trình mới với giá khoảng 350 nghìn đồng/bộ sách/học sinh, thì số tiền phụ huynh có thể phải bỏ ra trong 1 năm trên 6,4 nghìn tỷ đồng. Và nếu tính mức chiết khấu thấp nhất là 11%, số tiền chiết khấu cũng khoảng hơn 700 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc bán sách giáo khoa theo quy luật phân phối hàng hóa, có tỷ lệ chiết khấu và việc này được phép làm. Đây là cách để vận hành nhanh, tốt hơn.

“Tuy nhiên, các nhà xuất bản phải công khai tỷ lệ phần trăm cho các bộ phận về các khâu, như phòng giáo dục quận, huyện là bao nhiêu, đến nhà trường là bao nhiêu và đến giáo viên được bao nhiêu cho công bằng và minh bạch. Đây là quyền lợi mà những người tham gia đều đáng được hưởng, chứ không thể để như hiện nay. Thoả thuận ngầm hoặc tập trung vào một ai đó, như vậy là không công bằng”, TS Lâm đề nghị.

Báo cáo tài chính của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho thấy, năm 2023, đơn vị này xuất bản hơn 300 triệu sách, chiếm khoảng 60% tổng lượng sách trên toàn quốc. Nhờ đó, nhà xuất bản này ghi nhận doanh thu thuần tăng 14% lên hơn 2.716 tỷ đồng. Đây là mức cao kỷ lục của công ty từ khi công bố thông tin vào năm 2015. Trừ đi giá vốn bán hàng, công ty lãi gộp hơn 775 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí bán hàng năm 2023 tăng 51%, lên gần 215 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG