TPO - Đại úy James Kovarovic, phi công lái chiếc C-17 Globemaster II của Không quân Mỹ đóng tại Hawaii, cho biết loại siêu vận tải cơ này đến Việt Nam khá thường xuyên để vận chuyển hài cốt lính Mỹ.
C-17 gây chú ý ở Việt Nam khi đảm trách nhiệm vụ vận chuyển các phương tiện phục vụ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam năm 2016.
C-17 là loại máy bay vận tải mới nhất, cơ động nhất trong lực lượng không vận của Mỹ. Sự linh hoạt và đáng tin cậy vốn có của C-17 giúp nâng cao năng lực của cả hệ thống không vận Mỹ nhằm hoàn thành các yêu cầu vận chuyển trên không đi khắp thế giới của Mỹ.
Biểu tượng của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương và Lực lượng Vệ binh không quân trên thân chiếc C-17. Ngày 9/5/2017 (giờ Mỹ), tiếp các phóng viên đến từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác trên khoang chiếc C-17 tại căn cứ không quân Hickam, Không đoàn 15, Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương, Mỹ, Đại úy Kovarovic cho biết C-17 được điều đến Việt Nam khá thường xuyên, với tần suất khoảng 6 lần/năm trong những năm gần đây. Một trong những nhiệm vụ mà C-17 đảm trách là vận chuyển hài cốt lính Mỹ.
Đại úy James Kovarovic (bìa phải), phi công lái chiếc C-17. Đại úy Kovarovic trong buồng lái chiếc C-17. C-17 được vận hành bởi phi hành đoàn 3 người, gồm cơ trưởng, cơ phó và một chuyên viên bốc dỡ.
Khoang chở người và hàng rộng rãi bên trong C-17. Trong chiếc C-17 treo cờ Mỹ và cờ bang Hawaii. Chia sẻ với PV Tiền Phong, nữ Đại úy trẻ tuổi Sra Kori Myers cho biết cô năm nay mới 23 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm 3 năm làm chuyên viên bốc dỡ trên chiếc C-17.
Đại úy Sra Kori Myers, chuyên viên bốc dỡ trên chiếc C-17. Còn Đại úy Warren Carter cho biết anh đã có 4 năm làm y tá trên C-17, tham gia nhiều sứ mệnh nhân đạo và cứu trợ thảm họa không chỉ ở Thái Bình Dương mà trên khắp thế giới, ngay cả ở Mỹ như đợt xảy ra trận siêu bão Katrina.
Đại úy Warren Carter, y tá phụ trách chăm sóc y tế trên chiếc C-17. Carter cho biết anh cùng 2 y tá và 3 kỹ thuật viên y tế làm việc trong điều kiện như một bệnh viện trên trời để hỗ trợ bệnh nhân và có đường dây liên lạc với bác sĩ dưới mặt đất trong những tình huống cần hỗ trợ khẩn cấp. Một chiếc C-17 có thể vận chuyển đến 60 bệnh nhân trong mỗi chuyến cứu trợ, tùy thuộc tình trạng bệnh nhân.
Anh nói rằng, các chuyến bay trên Thái Bình Dương rất khó khăn vì mỗi hành trình phải mất 8-9 giờ để đi từ điểm này đến điểm khác, vì thế đội ngũ y tế trên máy bay có đủ thiết bị cần thiết để hỗ trợ bệnh nhân.
Carter cho biết, anh chưa có kinh nghiệm hoạt động gì ở Việt Nam, nhưng anh mong muốn đến Việt Nam để du lịch.
Các dụng cụ gắn trên vách trong của chiếc C-17. Có thể thả 102 lính dù
C-17 dài 53m, cao 16,79m, sải cánh 51,75m. Máy bay này chạy bằng 4 động cơ F117-PW-100, loại động cơ đang được sử dụng cho máy bay Boeing 757.
C-17 có khả năng vận chuyển binh lính và mọi loại hàng hóa một cách nhanh chóng đến các căn cứ chính hoặc vận chuyển trực tiếp đến các căn cứ ở khu vực triển khai.
Mỗi chiếc C-17 có thể vận chuyển và thả 102 lính nhảy dù
Lượng hàng hóa tối đa mà một chiếc C-17 có thể vận chuyển mỗi lần là 77.519kg. Với lượng hàng trên khoang là 76.657kg và độ cao hành trình ban đầu là 8.534m, C-17 có thể bay 4.444km mà không cần tiếp nhiên liệu. Tốc độ bay của nó là khoảng 450 knot (833,4 km/h). C-17 được thiết kế để vận chuyển và thả 102 lính nhảy dù cùng trang thiết bị.
C-17 có thể cất cánh và hạ cánh trên đường băng chỉ dài 1.064m và rộng 27,4m. Ngay cả trên những đường băng hẹp và ngắn như vậy C-17 vẫn có thể quay đầu. Các máy bay C-17 tại căn cứ Hickam đang sử dụng chung đường băng với máy bay thương mại ở sân bay quốc tế Honolulu nằm sát đó.
Tòa nhà chỉ huy trong căn cứ không quân Hickam. Một máy bay trong nhà chứa máy bay số 19 trong căn cứ. không quân Hickam. Nhà chứa máy bay số 5 trong căn cứ không quân Hickam. Phía sau nhà chứa này là một địa điểm từng hứng bom trong trận tấn công Trân Châu Cảng năm 1941. Ảnh chân dung các chỉ huy của Không đoàn 15 treo bên trong tòa nhà chỉ huy. Mẫu máy bay vận tải C-17 có chuyến bay đầu tiên vào tháng 9/1991. Không quân Mỹ ban đầu dự kiến sắm tổng cộng 120 chiếc C-17. Nhưng theo các kế hoạch chi tiêu ngân sách hiện tại, tổng số máy bay vận tải C-17 mà Không quân Mỹ định sắm là 223 chiếc. Mỗi chiếc C-17 có giá khoảng 202 triệu USD.
Vườn cây xanh mát dọc lối vào căn cứ không quân Hickam. Ảnh: Thu Loan. Căn cứ không quân Hickam là căn cứ của Lữ đoàn không quân số 15 và 67 đơn vị đối tác, trong đó có các trụ sở của Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACAF), lực lượng Vệ binh không quân quốc gia Hawaii và Không đoàn 154 của Lực lượng vệ binh không quân Hawaii.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong rằng C-17 mất bao lâu để bay từ Hawaii đến biển Đông, Đại úy Kovanovic nói rằng, thời gian cụ thể còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nhưng thông thường mất khoảng 7 giờ.