Cuộc biểu tình hôm nay là một trong hơn 200 chiến dịch đấu tranh trên phố, nổ ra từ tháng 1 năm nay trên khắp Thái Lan. Các thủ lĩnh biểu tình đòi tổ chức bầu cử lại và sửa đổi hiến pháp.
Hiến pháp năm 2017 cho phép chính quyền quân sự bầu ra Thượng viện với 250 ghế. Đây là một trong những yếu tố mà phe chỉ trích cho là để giúp Thủ tướng Prayuth Cha-o-cha duy trì quyền lực. Nhà lãnh đạo đi lên từ cuộc đào chính này hiện đứng đầu một chính phủ liên minh và tiếp tục sử dụng nhiều quan chức từng là sĩ quan quân đội.
Quốc hội Thái Lan đáng ra bắt đầu quy trình sửa đổi hiến pháp từ cuối tháng trước, nhưng đã hoãn lại vào phút chót sau cuộc họp giữa hạ viện và thượng viện. Phiên họp tiếp theo của quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 1/11.
Hôm nay, lực lượng biểu tình nhắc lại đòi hỏi của họ về việc chỉ để Nhà vua Maha Vajiralongkorn nắm quyền lực phù hợp với địa vị chính trức của ông theo hiến pháp.
“Chúng tôi không muốn lật đổ chế độ quân chủ. Chúng tôi chỉ muốn bình đẳng cho tất cả mọi người”, một người biểu tình 16 tuổi xưng tên giả là Bonus nói với báo The Straits Times khi đang trên phố.
Những người theo chủ nghía bảo hoàng cũng đã có hành động.
Các nhóm mặc áo vàng, trong đó có nhiều người đàn ông cùng cạo trọc đầu, có mặt từ sớm và ngồi trên vỉa hè để chờ đoàn xe của Nhà vua đi qua trong buổi tối để thực hiện một nghi lễ tôn giáo.
“Tất cả người Thái yêu mến và kính trọng Nhà vua và sẽ không để ai gây nguy hiểm cho thể chế này”, Vandee Inthawut, một người nội trợ 55 tuổi, nói khi đang ngồi chờ.
Những người tổ chức biểu tình quyết định chuyển thời gian xuống đường sớm hơn vài giờ vì lo có thể bị các nhóm thân hoàng tộc chặn ở khu vực tượng đài Dân chủ ở Bangkok.
Lực lượng biểu tình tập hợp dưới nhiều tên gọi khác nhau trong vài tháng qua, cuối cùng lấy tên là Phong trào của nhân dân, để tách biệt với nhóm sĩ quan và dân thường đã lật đổ hoàng gia vào năm 1932.
Phe biểu tình nhiều lần bất tuân luật cấm xúc phạm hoàng gia khi công khai chất vấn quyền lực và chi tiêu của Nhà vua Maha Vajiralongkorn.
Trong cuộc biểu tình bên ngoài đại cung điện vào tháng trước với hơn 30.000 người tham gia, các thủ lĩnh biểu tình cố gắng trình lên Nhà vua một danh sách yêu sách về cải cách hoàng gia.
Từ khi lên ngôi vào năm 2016, Nhà vua Thái nắm quyền kiểm soát khối tài sản hơn 40 tỷ USD thuộc quản lý của Cục tài sản hoàng cung. Ông cũng giữ quyền chỉ huy 2 trung đoàn bộ binh.
Nhà vua Maha Vajiralongkorn dành phần lớn thời gian ở Đức, đặt ra nhiều câu hỏi về chuyện cai trị từ xa. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas gần đây nói rằng Nhà vua Thái không nên làm chính trị từ Đức