Phẫu thuật cho bệnh nhân có bộ ngực khổng lồ

TP - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình (Đại học Y Hà Nội) và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec vừa phối hợp để ứng dụng phương pháp mới phẫu thuật cho bệnh nhân có bộ ngực hơn 1 mét do mắc bệnh phì đại tuyến vú.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1975, ở Uông Bí, Quảng Ninh) đã mang bộ ngực khổng lồ 14 năm khiến cuộc sống của chị bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2003 khi sinh con đầu lòng, ngực bắt đầu to lên. Nhưng phải đến năm 2009, khi sinh con thứ 2 bộ ngực của chị Hạnh to lên trông thấy. 6 tháng trở lại đây ngực chị Hạnh to nhanh bất thường, vòng ngực lên đến 110cm, khiến chị khó thở, thoái hóa cột sống cổ, tê bì tay, gù lưng, ăn mặc khó khăn, cảm thấy không tự tin. Cùng với đó bệnh hen nặng lên do bộ ngực to khiến chị Hạnh khó thở.

Phẫu thuật cho bệnh nhân có bộ ngực khổng lồ ảnh 1

Chị Hạnh với bộ ngực khổng lồ trước khi phẫu thuật.

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình (ĐH Y Hà Nội) cho biết, một trong những khó khăn nhất trong quá trình phẫu thuật là tính toán làm sao cắt bỏ phần ngực, da thừa nhưng vẫn giữ được hình dáng chuẩn mực của bầu vú, lại vừa bảo tồn được cảm giác của quầng, núm vú, chức năng tiết sữa của vú. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ 2 bên ngực mỗi bên 1,9 và 1,5kg, ước khoảng 2.100cc (người bình thường mỗi bên ngực là 300cc). Sau khi cắt bỏ ngực, các bác sĩ tiến hành tạo hình vú cho bệnh nhân.

Hiện nay ở Việt Nam, chưa có một bệnh viện, trung tâm nào khác có thể thực hiện được kỹ thuật này. GS Tahsin Oguz Acarturk (Khoa Tạo hình thẩm mỹ, ĐH Y khoa Pittsburgh, Mỹ) cho hay: “Kỹ thuật thu gọn vú khổng lồ rất khó bởi nó đòi hỏi phải giữ lại mạch máu nuôi quầng, núm vú. Kỹ thuật của GS Sơn có sử dụng phương pháp chụp hình ảnh, đường đi của các mạch máu trước khi phẫu thuật, xác định được đường cấp máu cho quầng, núm vú, từ đó lựa chọn đường mổ phù hợp để vẫn giữ lại đường cấp máu này, tránh trường hợp quầng, núm vú bị hoại tử.

GS Sơn cho biết thêm: “Trước đây ngay cả tại các trung tâm phẫu thuật tạo hình trên thế giới cũng như ở Việt Nam, phẫu thuật không bảo tồn được tuyến sữa, cảm giác của quầng, núm vú. Hiện nay, bằng các phương pháp mới, tiên tiến, bệnh nhân đã được phẫu thuật giữ lại được nguyên hình dạng của phần quầng núm vú, bảo toàn được cảm giác và khả năng tiết sữa của vú. Khả năng tái phát sẽ không còn”.

Đây là một trong những kỹ thuật khó trong phẫu thuật thẩm mỹ, đòi hỏi phải đảm bảo an toàn cho bệnh nhân về mặt gây mê, chống mất máu, đồng thời đảm bảo về thẩm mỹ với yêu cầu tái tạo lại bộ ngực gần như bình thường cho bệnh nhân.

MỚI - NÓNG