Phạt tù các lãnh đạo Ban quản lý Nghi Sơn vì lập quỹ đen

Từ bìa trái qua, các bị cáo Tấn, Hoàng, Hiệp.
Từ bìa trái qua, các bị cáo Tấn, Hoàng, Hiệp.
TPO - Lãnh đạo và kế toán trưởng Ban quản lý Nghi Sơn bị xác định dùng tiền công gửi vào ngân hàng để lấy lãi chi tiêu. Nhân viên kế toán dù không biết nhưng vì làm theo chỉ đạo của cấp trên nên cũng bị xử lý hình sự.

Lấy tiền công lập quỹ đen

Trong các ngày 29 và 30/9, TAND TP Hà Nội xét xử vụ lập quỹ trái phép tại Ban quản lý dự án Công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Ban QLDA Nghi Sơn) – đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Các bị cáo trong vụ gồm Trần Khắc Hiệp – nguyên Trưởng Ban QLDA Nghi Sơn; Lê Xuân Hoàng – Kế toán trưởng Ban QLDA Nghi Sơn và Nguyễn Mạnh Tấn – nguyên nhân viên phòng Kế toán Ban QLDA Nghi Sơn.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2008 – 2011, ông Tôn Anh Thi được giữ chức Trưởng ban QLDA Nghi Sơn; từ năm 2011, Trần Khắc Hiệp làm Trưởng ban. PVN giao nhiệm vụ và chuyển tiền cho Ban QLDA xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng cho liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Trước khi thanh toán cho các nhà thầu phụ, Tôn Anh Thi và Trần Khắc Hiệp dùng tiền vốn để gửi vào Ngân hàng TMCP Quân đội tại Thanh Hóa (MB Thanh Hóa) và Ngân hàng TMCP Đại Dương chi nhánh Thanh Hóa (OceanBank Thanh Hóa). Qua đây, các ngân hàng này trả cho Ban QLDA số lãi hơn 20 tỷ đồng nhưng nguồn tiền này bị bỏ ngoài hệ thống sổ sách để chi tiêu.

Cơ quan truy tố xác định, giai đoạn 2010 – 2011, Ban QLDA Nghi Sơn thu hơn 1,1 tỷ đồng tiền lãi tại MB Thanh Hóa nhưng chỉ có hơn 300 triệu đồng được hạch toán đúng quy định; còn hơn 813 triệu đồng bị để ngoài sổ sách.

Năm 2011 – 2015, khi bị cáo Trần Khắc Hiệp lên làm Trưởng ban, Ban QLDA Nghi Sơn tiếp tục nhận hơn 14,8 tỷ đồng tiền lãi từ MB Thanh Hóa nhưng các đối tượng trong vụ tự ý chi tiêu hơn 14,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trần Khắc Hiệp còn gửi hơn 300 tỷ đồng của Ban QLDA Nghi Sơn vào OceanBank Thanh Hóa, thu hơn 6 tỷ đồng tiền lãi. Trong đó, có hơn 1,3 tỷ đồng được chuyển về tài khoản của Ban QLDA, còn hơn 4,7 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của Lê Xuân Hoàng.

Tại tòa, các bị cáo Hiệp, Hoàng khai đã dùng hơn 19,2 tỷ đồng nói trên cho công tác đối nội, đối ngoại của Ban QLDA và chi cho một số lãnh đạo, cán bộ các đơn vị liên quan việc xây dựng. Tuy nhiên, những người này nói không nhận tiền và các bị cáo cũng không có căn cứ chứng minh.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Mạnh Tấn kêu oan, khẳng định không bàn bạc, thỏa thuận hoặc được hưởng lợi từ việc gửi tiền vào ngân hàng rồi nhận lãi ngoài. Bị cáo này khai, thời điểm 2009, bản thân là sinh viên mới ra trường và vào làm việc ngay tại Ban QLDA Nghi Sơn nên chỉ biết làm theo hợp đồng lao động nếu không sẽ bị đuổi việc.

Nguyễn Mạnh Tấn cho rằng, việc mình có các chữ ký nháy tại 2 văn bản của ngân hàng chỉ là để xác nhận số tài khoản của Ban QLDA; không có các chữ ký này, phía ngân hàng vẫn chi ra tiền lãi.

Luật sư của bị cáo Tấn nêu quan điểm, thân chủ của mình không thể là đồng phạm với Hiệp và Hoàng vì không bàn bạc, hưởng lợi hoặc biết nguồn gốc số tiền lãi từ đâu mà có; cáo trạng có dấu hiệu quy chụp hành vi cho bị cáo này.

Cũng theo luật sư, cơ quan truy tố không làm rõ vai trò của từng bị cáo trong vụ và trách nhiệm của phía ngân hàng khi chi trả tiền lãi. Việc ông Tôn Anh Thi được đình chỉ, không phải chịu trách nhiệm hình sự là thiếu công bằng với các bị cáo khác vì chính ông là người đề ra chủ trương gửi tiền.

Lãnh đạo được vô can

Qua làm việc, Hội đồng xét xử xác định ông Thi và 3 bị cáo trong vụ có hành vi gửi tiền nhà nước vào ngân hàng để lấy lãi rồi tự ý chi tiêu, không hạch toán vào sổ sách. Việc này vi phạm quy định về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho nhà nước... Trong đó, bị cáo Hiệp là người chỉ đạo, trực tiếp ký 66 hợp đồng tiền gửi, giữ vai trò chính; bị cáo Hoàng trực tiếp bàn bạc với Hiệp, là người quản lý và chi 19,2 tỷ đồng tiền lãi.

Hội đồng xét xử cũng khẳng định bị cáo Nguyễn Mạnh Tấn không được bàn bạc việc gửi tiền nhưng đã tiếp nhận ý chí từ cấp trên; trực tiếp nhận hơn 6 tỷ đồng tiền lãi rồi quản lý theo chỉ đạo của Hiệp và Hoàng nên là đồng phạm giúp sức. Vì vậy, tòa án không chấp nhận việc kêu oan của bị cáo Tấn cũng như quan điểm từ luật sư bào chữa.

Với ông Tôn Anh Thi, Hội đồng xét xử cho rằng người này phạm tội lập quỹ trái phép nhưng quá trình điều tra đã xác định ông dùng 813 triệu đồng để chi cho 2 gia đình nạn nhân bị thiệt mạng khi giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của chính quyền tỉnh Thanh Hóa.

PVN cũng xác nhận ông Thi có báo cáo phù hợp quy chế. Mặc khác, toàn bộ lãi từ 15 hợp đồng tiền gửi ông Thi ký là hơn 1,1 tỷ đồng đã được nộp khắc phục toàn bộ; Viện KSND Tối cao có quyết định đình chỉ bị can với Tôn Anh Thi nên tòa án không xem xét.

Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Trần Khắc Hiệp và Lê Xuân Hoàng cùng mức án 4 năm tù; Nguyễn Mạnh Tấn nhận 2 năm tù đều về tội “Lập quỹ trái phép”.

Về dân sự, bị cáo Hiệp phải bồi thường 10 tỷ đồng, Hoàng bồi thường hơn 9,2 tỷ đồng cho PVN; xác nhận bị cáo Hiệp đã nộp hơn 7 tỷ đồng, Hoàng đã nộp hơn 200 triệu đồng.

Ngoài ra, trước vụ án, ông Tôn Anh Thi đã nộp hơn 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả và đề nghị tòa tuyên PVN phải trả cho mình số tiền này. Hội đồng xét xử thấy trong số tiền này, ông Thi tự ý trả hơn 813 triệu đồng cho 2 gia đình nạn nhân, chỉ đưa vào sổ sách hơn 308 triệu đồng. Vì vậy, PVN chỉ phải trả lại cho ông Thi 308 triệu đồng.

MỚI - NÓNG