Bộ Xây dựng đang phối hợp xây dựng dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và thông tư hướng dẫn. Dự kiến sẽ trình Chính phủ trong quý II/2024.
“Gỡ khó ngay trong quý II”
Theo báo cáo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung triển khai chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể, nhiều địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay. Một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu rất lớn nhưng việc đầu tư còn hạn chế, chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp.
Chưa hết, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng lại chưa được tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư để triển khai. Một số dự án đã khởi công nhưng doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ. Một số dự án đã đủ điều kiện vay vốn ưu đãi nhưng chưa được UBND cấp tỉnh rà soát để công bố danh mục được vay vốn ưu đãi…
Dự án nhà ở xã hội Rice City tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: Trần Hoàng |
Nguyên nhân của những tình trạng nêu trên được cho là do nhiều vướng mắc khi triển khai các quy định của pháp luật. Điển hình như thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán còn phức tạp và kéo dài, còn nhiều bất cập trong việc xác định giá bán. Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn, quỹ đất còn thiếu và bố trí chưa phù hợp, cơ chế ưu đãi thiếu hợp lý, chưa hài hòa lợi ích. Các chính sách ưu đãi cũng chưa đủ hấp dẫn…
khơi thông các điểm nghẽn
Để đạt mục tiêu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trên cả nước vào năm 2024, Bộ Xây dựng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Hiện nay, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đang khẩn trương, tập trung nghiên cứu dự thảo các nghị định hướng dẫn các Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh Bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Chính phủ xem xét ban hành ngay trong tháng 5/2024, làm cơ sở để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho phép các luật nêu trên có hiệu lực sớm, dự kiến 1/7/2024.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.
“Trong 3 năm vừa qua, cả nước mới làm được 72 dự án với 38.128 căn/tổng số chỉ tiêu 5 năm là 428.000 căn. Như vậy, mục tiêu còn xa, nỗ lực của chúng ta phải lớn hơn nữa mới thực hiện được chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Đối với TPHCM, trong các năm 2020 -2023, chỉ đưa vào sử dụng 2 dự án với 623 căn hộ và khởi công 7 dự án với 4.996 căn, nhưng vẫn vướng pháp lý cho nên hiện nay gần như chưa triển khai được”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM
Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân; Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân...
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã thông tin liên quan đến việc triển khai thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu báo cáo Chính phủ quy định riêng để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian so với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành. Nội dung này gắn với việc có hiệu lực của 3 luật sửa đổi và các nghị định hướng dẫn”.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Theo ông Sinh, Bộ Xây dựng được Thủ tướng giao xây dựng 5 nghị định. Bộ Xây dựng giao cho các địa phương khẩn trương quy định cụ thể các địa điểm phát triển nhà ở; quy định điều kiện đường giao thông, phương tiện chữa cháy; quy định hỗ trợ việc bán, cho thuê, mua nhà ở xã hội; Quy định tiêu chí đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị loại đặc biệt 1,2 và 3...
“Ngay sau khi Thủ tướng ban hành kế hoạch, danh mục này, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương triển khai 2 dự án luật. Đồng thời, Bộ cũng làm việc trực tiếp với Bộ Công an, Quốc phòng để triển khai thi hành luật”, ông Sinh cho hay. Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã xây dựng 5 nghị định. Hiện, bộ này đã đăng tải lên cổng thông tin để lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp...
Hiện nay, bộ cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến tại các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, bộ ngành…dự kiến sẽ gửi xin ý kiến Bộ Tư pháp ngày 20/4 để cho ý kiến thẩm định, dự kiến cuối tháng 4, đầu tháng 5, bộ sẽ báo cáo Chính phủ để xem xét thông qua 5 nghị định hướng dẫn 2 dự án luật.
“Với tiến độ như thế này sẽ đảm bảo được yêu cầu của Thủ tướng khẩn trương xây dựng các nghị định để đẩy sớm có hiệu lực của 2 dự án luật này từ ngày 1/7/2024”, ông Nguyễn Văn Sinh nói.