Phát triển các hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" chính thức khai mạc vào sáng nay (29/11).

500 đại biểu là các nhà quản lý Nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học về văn hóa, con người, gia đình tham dự hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo quốc gia, việc tổ chức hội thảo quốc gia căn cứ vào chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật đặc biệt thể hiện rất rõ ở văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hội thảo quốc gia cũng là việc làm cụ thể triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam

Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội chính thức khai mạc sáng nay (29/11).

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Chỉ đạo dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo. Hội thảo được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) và có hai điểm cầu trực tuyến tại Huế và TP.HCM.

Phát triển các hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới ảnh 1

Phiên thảo luận thứ nhất sáng 29/11 tập trung làm rõ hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Với hơn 80 tham luận gửi đến Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý và văn nghệ sĩ tập trung phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó.

“Tôi hy vọng rằng Hội thảo sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận các nội dung sau: Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Các nhà khoa học, nhà quản lý cần phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; các nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố (hoặc bối cảnh) quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị chỉ rõ vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Hệ giá trị gia đình ‘lung lay’

Hội thảo bắt đầu với phiên thảo luận thứ nhất do GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành với chủ đề Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nhiều đại biểu nhận định trải qua gần 40 năm phát triển toàn diện, con người Việt Nam trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng con người theo các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực con người, được nêu ở Nghị quyết TW 5 khóa VIII và Nghị quyết TW 9 khóa XII đã đạt được những thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chất lượng việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

“Nhiều biểu hiện phản giá trị, phi văn hóa, thiếu nhân văn vẫn tồn tại làm giảm sút niềm tin vào công bằng, lẽ phải, vào các cơ quan Đảng và Nhà nước làm suy giảm khát vọng và động lực phát triển đất nước và con người. Nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội và con người đều trực tiếp hoặc gián tiếp gắn liền những vấn đề về các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người và cộng đồng”, PGS. TS. Lương Đình Hải nhận định.

Phát triển các hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới ảnh 2

Các đại biểu trao đổi về các vấn đề hệ giá trị gia đình.

Để thực hiện các chuẩn mực con người, ông Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP.HCM đề xuất cần cụ thể hóa hệ chuẩn mực con người Việt Nam bằng cách xây dựng luật, quy ước cộng đồng, gắn hệ chuẩn mực gia đình với văn minh, đời sống văn hóa ở cơ sở, đơn vị, xóm ấp, tổ, khu phố văn minh… Ông Hồ Bá Thâm cho rằng cần nêu gương người tốt việc tốt, người tử tế, việc làm tử tế và phê bình, phê phán những ý thức và hành vi không thực hiện hoặc thực hiện lệch chuẩn, sai chuẩn…

Một số đại biểu cho rằng hệ giá trị gia đình đang “lung lay” dẫn đến những hệ quả khôn lường trong xã hội. Các đại biểu lý giải vụ việc đau lòng con gái đốt nhà mẹ, vụ bạo hành trẻ đến chết... là hệ quả của việc hệ giá trị gia đình chưa quan tâm đúng mức.

TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) khẳng định gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc.

“Tuy nhiên, các văn bản về gia đình và công tác gia đình chưa thực sự nhấn mạnh đến vai trò then chốt của hệ giá trị gia đình. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng giá trị gia đình ở nhiều nơi”, TS. Trần Tuyết Ánh nhận định.

Chiều 29/11, các đại biểu dự hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tiếp tục thảo luận vấn đề hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.