Thoát khỏi tư duy mùa vụ
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ cuối tháng 2 đến tháng 4/2019, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 111.000 ha lúa đông xuân và số này rơi vào thời điểm thu hoạch rộ, đang giảm giá nên rất khó khăn. Ông Chuyện cho biết, tỉnh đã cố gắng làm việc với ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp (DN) vay mua lúa gạo xuất khẩu và các ngân hàng đã cho DN vay được 315 tỷ đồng. Tuy nhiên, về lâu dài Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị cần có chính sách căn cơ chứ giải cứu lòng vòng hết củ hành, heo, lúa, cá thì rất khó khăn.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng nhìn nhận rằng, chúng ta cần xác lập tầm nhìn dài hạn hơn đối với một ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân trồng lúa ở đồng bằng. Thủ tướng Chính phủ vừa có những chỉ đạo các bộ, ngành liên quan gấp rút hành động để xử lý một tình huống “chẳng đặng đừng”, đó là giải cứu lúa gạo, giải cứu nông dân.
Tuy nhiên, ông Hoan đề nghị phải thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một ngành hàng có thể không đóng góp nhiều cho xuất khẩu nhưng là sinh kế của hàng chục triệu nông dân đồng bằng. “Đến nay, tôi vẫn bị ám ảnh bởi tài liệu của Ngân hàng Thế giới về “Toàn cảnh nông nghiệp Việt Nam - giảm chi phí, tăng chất lượng”. Nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo, để không tiếp tục bị giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi lời nguyền “chi phí cao, chất lượng kém”, ông Lê Minh Hoan nói.
Theo ông Hoan, để vượt qua lời nguyền đó, không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. “Điều đó cho thấy hợp tác xã là giải pháp duy nhất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy còn những rào cản về thể chế nhưng Đồng Tháp đã, đang và sẽ kiên trì hướng đến mục tiêu đó trên nền hơn 60 Hội quán nông dân - tiền đề để phát triển hợp tác xã”, ông Hoan nhấn mạnh.
Hợp tác xã là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng. Đồng thời còn là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.
Phát huy cánh đồng liên kết
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An ở Cần Thơ nói, không cần phải đi đâu xa hay làm điều gì lớn lao mà mô hình cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị do Bộ NN&PTNT triển khai từ năm 2010 đến nay vẫn còn giá trị. “Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất, mô hình rất cụ thể giúp hàng hóa người nông dân sản xuất ra thì có nơi tiêu thụ rõ ràng. Nếu làm tốt mô hình này thì làm gì có cảnh “giải cứu” như ngày hôm nay”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, hiện nay cánh đồng lớn cao lắm là 100 nghìn ha so với gần 2 triệu ha đất nông nghiệp cả vùng ĐBSCL, trong khi tỉnh nào cũng trải thảm đỏ mời về đầu tư. Ông cho rằng, đã có mô hình cụ thể rồi nên cần giải quyết chỗ đang vướng là ổn. “Công ty của tôi đầu tư liên kết ở 5 tỉnh trong vùng ĐBSCL với vài nghìn ha, ký hợp đồng như thế nào là mua như thế nấy, chứ không phải bạn hàng xáo đặt cọc dân 500 nghìn đồng/ha nhưng khi giá giảm thì “bỏ chạy”.
Ông Bình đề nghị, ngân hàng thay đổi tư duy cho vay, bởi vì trước đây bà con làm 1 mình thì nông dân tự lo vốn nhưng giờ liên kết thì DN phải lo từ đầu đến cuối. “Nếu DN có đủ vốn, xây dựng cánh đồng lớn, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6 - 6,5 triệu tấn”, ông Bình nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ ra điểm nghẽn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo là chất lượng, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo thấp. Vì thế sản xuất thiếu tính bền vững.
Theo ông Cường, trong thời gian tới phải rà soát, đánh giá lại 1 cách căn cơ và sẽ giảm 500 nghìn ha lúa, đồng thời đang tập trung nghiên cứu, chủ động chuyển sang nông sản khác có thị trường tốt hơn.
Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. “Ở ĐBSCL bình quân mỗi người 1,1 ha, với hàng triệu hộ nông dân. Nếu không liên kết dứt khoát không tiêu thụ được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đảm bảo đủ tín dụng cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ diễn biến phức tạp và cạnh tranh khốc liệt hơn trong năm 2019. “Mặc dù Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro do chính sách nhập khẩu thường xuyên thay đổi. Chưa kể, Trung Quốc đã đồng ý tăng lượng nhập khẩu gạo từ Campuchia lên mức 400 nghìn tấn thay vì 300 nghìn tấn như năm 2018”, ông Nam thông tin.
Hiện lúa gạo ĐBSCL đang thu hoạch rộ, giá giảm so năm ngoái. Khó khăn hiện tại là hợp đồng đầu ra của doanh nghiệp chưa có nhiều và thiếu vốn. Vì thế, các DN đề nghị xem xét tăng hạn mức tín dụng và có gói tín dụng riêng với lãi suất ưu đãi.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, sẽ tiếp tục điều hành giữ ổn định cân đối vĩ mô để tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm kinh doanh và giảm lãi suất cho vay.
Theo Thống đốc, đây là giai đoạn có biến động thị trường nên đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ xuất khẩu lúa gạo. NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay để tiếp cận vốn, linh hoạt trong việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Duy trì trần lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân vay ngắn hạn với mức lãi suất là 6%...
Ngày 26/2, tại Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL. Ông Nguyễn Duy Cường, Quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,08 tỷ USD. Còn theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt 8.296 nghìn tấn với giá trị đạt 3.893 triệu USD.