Phạt lỗi đèn vàng tiếp tục gây tranh cãi

Việc Bộ GTVT quyết định xử phạt lỗi vượt đèn vàng tại các vị trí có đèn đếm ngược tiếp tục gây ra tranh cãi. Ảnh: Võ Hóa
Việc Bộ GTVT quyết định xử phạt lỗi vượt đèn vàng tại các vị trí có đèn đếm ngược tiếp tục gây ra tranh cãi. Ảnh: Võ Hóa
TP - Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của dư luận, không xử phạt lỗi vượt đèn vàng khi đã tiến sát vạch dừng. Tuy nhiên, dự thảo mới của bộ này vẫn “thòng” thêm điều khoản xử phạt lỗi này tại các nút giao có đồng hồ đếm ngược.

Tiếp thu một phần
Bộ GTVT vừa công bố dự thảo Quy chuẩn về tín hiệu giao thông (QCVN 41:2018/BGTVT), trong đó có một số quy định mới về tín hiệu đèn vàng. Theo đó, Bộ GTVT coi hành vi vượt đèn vàng khi đã đi quá vạch dừng hoặc tiến sát vạch dừng là “được phép”. Điều này có nghĩa là người tham gia giao thông có hành vi trên liên quan đến đèn vàng không bị xử phạt.

Đây là động thái tích cực của Bộ GTVT sau khi dư luận lên tiếng, trong đó Tiền Phong có nhiều bài viết và tổ chức tọa đàm về vấn đề này vào ngày 21/9.

Tuy nhiên, dự thảo của Bộ GTVT khó khả thi vì không đặt ra cơ sở để xác định thế nào là “tiến sát” vạch dừng. Như Tiền Phong phản ánh, thực tế, khi CSGT xử lý lỗi phạt vượt đèn vàng, nhiều người tham gia giao thông đã phản ứng, thậm chí kiện CSGT ra tòa vì cho rằng họ đã tiến sát hoặc vượt qua vạch khi đèn chuyển vàng. Trong khi đó, các nút giao thông không có đủ camera để xác minh. Đề nghị kẻ một vạch phụ trước vạch dừng để xác định khoảng cách đã tiến sát vạch được Bộ GTVT đưa ra bàn thảo trước đó cũng không được đưa vào dự thảo.

Dự thảo quy chuẩn có quy định thời gian tồn tại tối thiểu của đèn xanh, đèn cho người đi bộ… Tuy nhiên, thời gian tồn tại của đèn vàng, sự kết hợp giữa các pha đèn giữa các hướng trong khi một hướng chuyển vàng cũng không được đưa vào quy chuẩn kỹ thuật này. Điều này cũng khiến cho việc xác định vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông liên quan đến đèn vàng cũng chưa có lời giải.

Đặc biệt, Bộ GTVT quyết định dựa vào các đồng hồ đếm ngược được lắp trong các đèn tín hiệu giao thông hiện nay để xác định lỗi vi phạm đèn vàng. Theo đó, dự thảo này quy định, nếu người tham gia giao thông vượt đèn vàng ở những nơi có đồng hồ đếm ngược là không được phép. Điều này đã đẩy vấn đề đèn vàng sang một nội dung mới, phức tạp hơn. 

Vừa đi đường vừa ngắm đồng hồ có an toàn?

Chuyên gia giao thông, tiến sỹ Khương Kim Tạo bình luận: Đồng hồ đếm ngược có tác dụng báo hiệu thời gian có hiệu lực của đèn tương ứng. Tuy nhiên, tác dụng của đồng hồ đếm ngược đang là vấn đề gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Theo đó, đồng hồ đếm ngược, nhất là đếm ngược ở nhịp đèn đỏ giúp cho người tham gia giao thông tận dụng quãng thời gian dừng xe để tiết kiệm nhiên liệu, làm một việc gì đó… Người đi bộ có thể dựa vào đồng hồ đếm ngược để quyết định có băng sang đường hay không. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, đèn đếm ngược “mất nhiều hơn được”.

Theo ông Tạo, điều cần nhất với người điều khiển giao thông là quan sát dòng phương tiện; vì thế, các tín hiệu giao thông cần phải tối giản nhất. “Tín hiệu xanh, đỏ vàng đã đủ để người tham gia giao thông nhận biết và thay đổi hành vi của mình. Việc lắp thêm đồng hồ đếm ngược làm phân tán sự chú ý của người điều khiển phương tiện, dễ dẫn đến tai nạn. Các nước châu Âu rất phát triển nhưng không dùng đồng hồ đếm ngược; chỉ có một số nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan và nước ta mới áp dụng nhiều. Chúng ta đã trang bị rất nhiều nhưng không nên quá lạm dụng, vừa tốn kém, vừa biến vấn đề đơn giản trở nên phức tạp”, ông Tạo nói. 

Một nghiên cứu của Đại học Giao thông vận tải về tác động của đèn giao thông có và không có đồng hồ đếm ngược tại Hà Nội cũng cho thấy tác dụng ngược của việc lắp đặt đồng hồ. Theo đó, với nút giao có đồng hồ đếm ngược, 73% các xe thường xuất phát sớm trước khi đèn tín hiệu chuyển sang xanh từ 3-5 giây. Còn ở những nơi không có đồng hồ đếm ngược thì chỉ 26% các xe tranh thủ vượt đèn.

Với vấn đề xử phạt vi phạm những người vượt đèn vàng tại các vị trí có đồng hồ đềm ngược, ông Tạo phân tích: Giả sử tất cả các cột đèn đều lắp đồng hồ đếm ngược thì mọi xe chạy qua đèn vàng đều bị phạt như qua đèn đỏ. Lúc đó, vai trò của đèn vàng như đèn đỏ. Điều đó đã biến hệ thống tín hiệu đèn giao thông từ 3 màu thành 2 màu, điều này chắc chắn gây nhiều va chạm, tai nạn và ùn tắc giao thông.

Thực tế, theo khảo sát của Tiền Phong tại Hà Nội cho thấy, nhiều nút giao thông đã tắt đèn vàng (dù có được trang bị), chỉ sử dụng 2 màu còn lại.

“Cách đây khoảng 100 năm, đèn giao thông chỉ có màu đỏ, sau đó người ta nghĩ ra đèn 2 màu rồi thêm màu vàng để an toàn hơn. Đó là đúc kết của cả thế giới, vì sao chúng ta lại dễ dãi chuyển thành 2 màu được. Việc vẫn xử phạt lỗi vượt đèn vàng, lạm dụng đồng hồ đếm ngược, biến đèn 3 màu thành 2 màu là trái với công ước Viên 1968  - một công ước có sự tham gia của nhiều nước phát triển, chuẩn mực dưới nhiều khía cạnh”, ông Tạo nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 23/10, đại diện Bộ GTVT cho hay sẽ ghi nhận các ý kiến góp ý trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo nêu trên.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.