Phát lộ dấu tích trung tâm thương mại cổ ở Đà Nẵng

Vị trí phát lộ những móng tháp ở gần sông Quá Giáng (Đà Nẵng) cho thấy, khu vực này trước kia có thể là một trung tâm thương mại lớn.

Sau một tháng khai quật tại thôn Quá Giáng 2 (xã Hòa Phước, Hòa Vang, Đà Nẵng), đoàn khảo cổ do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp triển khai đã phát hiện 3 nền móng đền tháp Chămpa cùng nhiều hiện vật giá trị. Theo đánh giá của đoàn khảo cổ, đây là cụm tháp Chămpa có quy mô lớn, có thể là một trung tâm tôn giáo Ấn Độ giáo của người Chămpa xưa.

Tại khu khai quật, ông Nguyễn Chiều - Trưởng đoàn khảo cổ cho biết, sau quá trình khai quật, đoàn làm phát lộ 3 chân móng của 3 tháp Chăm và 2 vết tích móng khác chưa xác định là móng tường hay móng tháp.

Tại 3 nền móng tháp và 2 vết tích móng gạch vừa phát lộ, đoàn khảo cổ đã khai quật được 1 bệ thờ cũng bằng đá sa thạch nguyên khối, 1 đầu tượng thần Shiva, 2 đầu tượng người cầu nguyện gần như nguyên vẹn và 1 bệ tam cấp bằng đá Chăm nguyên khối quay về hướng tây, có chạm hình makara (thủy quái), 2 chóp tháp góc cùng một số vật trang trí bằng đá từ thế kỷ thứ X.

Theo ông Chiều, trong móng của 2 tháp có sử dụng các viên gạch có in hình hoa văn. Việc sử dụng gạch trang trí tường để xây móng tháp chứng tỏ người Chăm trước đây đã dùng vật liệu còn lại của những ngôi tháp đã bị đổ nát gần đó để xây lại những tháp mới.

Phát lộ dấu tích trung tâm thương mại cổ ở Đà Nẵng ảnh 1

Ông Nguyễn Chiều bên móng tháp Chămpa xưa vừa được đoàn khai quật.

Vị trí phát lộ những móng tháp ở gần sông Quá Giáng cho thấy, khu vực này trước kia có thể là một trung tâm thương mại lớn. Sông Quá Giáng thông với sông Hàn và cửa biển đổ ra Biển Đông, nên khu vực này xưa kia có thể là nơi giao thương buôn bán của các vùng miền và nhiều nước trên thế giới. Trong số các hiện vật, nhóm khảo cổ cũng phát hiện những mảnh sứ của một chiếc bình từ thời Nguyên.

Khó mở rộng khai quật và bảo tồn

Hiện nay, nhóm khai quật tiếp tục tìm kiếm thêm các bằng chứng và hiện vật nhằm làm rõ sự hình thành, kỹ thuật xây dựng và kết cấu móng, tường, những vật thờ cúng và trang trí của những ngôi tháp Chăm. Từ đó, sẽ có những đánh giá đầy đủ mang tính khoa học của một khu vực sinh sống của người Chăm cách đây cả nghìn năm.

“Tuy nhiên, vấn đề kinh phí, giải toả mặt bằng đang là thách thức và hạn chế việc khai quật mở rộng khu vực trên. Hiện đoàn chỉ xin khai quật được trong diện tích 500m2” - ông Chiều nói.

Đây là di tích đền tháp Chăm lớn thứ 2, sau di tích tháp Chăm làng Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được khai quật vào tháng 8/2012. Trao đổi về vấn đề bảo tồn xung quanh các di tích Chămpa xưa vừa được khai quật, ông Chiều cho rằng, đoàn chỉ khai quật, chụp hình nghiên cứu, xong rồi lấp, trả lại hiện trường. Vì đây là khu vực nhà dân, đồng thời vướng phải kinh phí.

“Tại khu khai quật tại làng Phong Lệ hiện cũng bị hư hại nhiều, rêu mốc, cây cối mọc lên, không thể bảo tồn, do năng lực có hạn” - ông Chiều chia sẻ.

Được biết, cách đây đúng 2 năm, vào tháng 8/2012, sau hơn nửa tháng khai quật, đoàn khảo cổ cũng đã phát hiện một vùng di tích rộng lớn có một phế tích là khu tháp Chămpa cách đây khoảng 1.000 năm tại làng Phong Lệ. Ngôi đền tháp Chămpa này có diện tích khoảng 16x16m với 4 góc tháp, 3 cửa phụ, 1 cửa chính. Hiện các nhà khảo cổ cũng đã xác định vị trí tháp chính, kích thước, vị trí trung tâm nơi đặt bệ thờ.

Theo Kiều Oanh

Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG