Nhiều phát hiện khảo cổ ở thượng lưu sông Ba

Công cụ ghè đẽo di chỉ Gò Đá
Công cụ ghè đẽo di chỉ Gò Đá
TP - Sau hơn một tháng khảo sát lưu vực sông Ba thuộc các huyện đông Gia Lai, các nhà khảo cổ Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Khắc Sử dẫn đầu đã phát hiện nhiều di vật thuộc thời đại đá cũ và thời đại đá mới. Đặc biệt là công cụ lao động của người tiền sử- những công cụ ghè đẽo.

Theo các nhà khảo cổ, các loại hình công cụ, chất liệu, kỹ thuật chế tác của người tiền sử trên địa bàn đã giúp nhận diện một thời kỳ rất cổ xưa của con người ở lưu vực sông Ba, có thể lên đến vài chục vạn năm.

Những phát hiện này được tìm thấy ở nhiều địa danh của Gia Lai: Gò Đá phường An Bình; Rộc Giáo, phường Ngô Mây; Rộc Tưng - thôn 1, xã Xuân An, thị xã An Khê.

Tại Kbang, Đak Pơ cũng phát hiện nhiều hiện vật đá cũ và có cả nguồn nguyên liệu để chế tác công cụ đá mới. Ở Konchro có 6 công xưởng chế tác rìu đá opal.

Tuy chưa khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện những tầng văn hóa của cư dân thời sơ kỳ, trung kỳ đá cũ cách đây vài chục vạn năm, là nơi có người sống, lao động bằng các công cụ bằng đá cổ xưa nhất Việt Nam. 

Nhiều phát hiện khảo cổ ở thượng lưu sông Ba ảnh 1

Phác vật rìu di chỉ H’Lang 1

Ngoài ra còn tìm thấy các di tích thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ cách đây khoảng trên dưới 1 vạn năm, để lại nhiều hiện vật ghè đẽo có giá trị. Cùng với đó, thời kỳ đá mới có nhiều công xưởng chế tác cách đây khoảng 4.000 năm, hé mở cho việc nghiên cứu sự hiện diện của người tiền sử trên lưu vực sông Ba này.

Cũng trong đợt khảo sát, các nhà khảo cổ học phát hiện vết tích của người Chămpa sống ở khu vực đông Gia Lai cách đây khoảng trên nghìn năm.

Cụ thể bên cạnh đất rẫy của anh Tuấn con ông Hoanh ở đồi Cấm (thuộc đội 6, thôn Tư Lương, xã Tân An) phát hiện một tấm bia có khắc chữ Chăm cổ làm bằng đá granite (đá hoa cương), bia quay mặt về hướng đông; chiều cao 1,3 m, chân rộng 1,6 m, đế rộng từ 30 - 40cm và cao 90 - 1,6m; thân bia dày 30 - 50cm. Bia này đã bị xâm hại (đập vỡ phần tráng, đào sâu xuống chân và bị phân hóa nặng), dẫn đến mất một số chữ trên bia. Các chữ Chăm được khắc trên hai mặt bia.

Mặt trước có 8 dòng, mặt sau 3 dòng. Do bia đứng trơ giữa trời đất nên các chữ đã bị bào mòn. Để bảo vệ các chữ này, chính quyền địa phương cần làm nhà che chắn . 

Một di tích nữa cũng của người Chăm được phát hiện trong đợt đi này là nền tháp Chăm, giếng Chăm? Năm 2009 tại di tích hồ bok Nhạc (hồ ông Nhạc) ở làng H’Lang xã Yang Nam, huyện Konchro, những người đào lại hồ này đã dùng máy đào múc giếng để mở rộng hồ ra như hiện nay, làm mất giếng Chăm này. 

Nhiều phát hiện khảo cổ ở thượng lưu sông Ba ảnh 2

Bia đá khắc chữ Chăm cổ

Cũng tại thời điểm mở rộng hồ, ngành văn hóa đã phát hiện một đầu rắn Naga (vật thiêng trong đền thờ người Chăm) và các tảng đá ong có rãnh dẫn nước từ linga – yony nằm ngay tháp Chăm này.

Linga – yony là biểu trưng thờ tự của người Chăm tại di tích này bị biến mất hoặc bị vùi lấp. Điều dễ nhận biết là các tháp Chăm đều thiết kế và xây dựng theo hình vuông, chứ không xây theo hình chữ nhật như kiến trúc của người Kinh, người Bơh Nar, hay người Gia Rai.

Có thể thế kỷ thứ XVIII, Nguyễn Nhạc đã đến tháp Chăm này, dừng chân trên con đường vận động dân bản địa tham gia cuộc khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771 - 1773, nên đồng bào Bơh Nar gọi giếng Chăm là “hồ bok Nhạc”.

MỚI - NÓNG