Có giải pháp để cán bộ không cần tham nhũng
“Kỷ luật là sức mạnh của Đảng”, vậy sức mạnh đó đã được thể hiện như thế nào trong thời gian qua, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thưa ông?
Như chúng ta biết, năm 1930, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập ra Đảng Cộng sản Đông Dương. Vào thời điểm ấy, phong trào cộng sản quốc tế đã có bề dày kinh nghiệm thực tiễn xây dựng chính đảng tiền phong của giai cấp vô sản.
Đảng ta ngay từ ngày thành lập, trong Điều lệ Đảng đã nhấn mạnh các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt cơ bản, hàng đầu là nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính nhờ nguyên tắc này mà Đảng Cộng sản đã trở thành một lực lượng chiến đấu có tổ chức, đã xây dựng và củng cố ngày càng vững mạnh sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình.
Ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng KH&CN và ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Y tế bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan sai phạm tại Công ty Việt Á |
Đương nhiên với tư cách là một thực thể sống trong xã hội, trong nội bộ Đảng cũng đã xuất hiện những hiện tượng vi phạm kỷ luật Đảng, không thật sự giữ trọn danh dự của người đảng viên cộng sản. Cho nên, ngay từ những thời kỳ đầu, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác của Đảng, cũng đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo triển khai các cuộc chỉnh huấn, rèn giũa, rèn luyện đạo đức cách mạng, kỷ luật, kỷ cương.
Chúng ta vẫn còn nhớ, cho đến tận ngày hôm nay, chúng ta đều thấy Bác của chúng ta nghiêm khắc như thế nào với những trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm đạo đức cách mạng. Để làm được điều này, một mặt Bác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng mà Mác - Lênin đã vạch ra. Mặt khác, Bác nhấn mạnh, bổ sung một nội dung xây dựng Đảng rất quan trọng, đó là xây dựng Đảng về mặt đạo đức. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chắc chắn là lãnh tụ đầu tiên trên thế giới định nghĩa Đảng Cộng sản là đạo đức, là văn minh.
Trong những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư, nhiệm vụ then chốt đã được triển khai, đem lại nhiều kết quả rất đáng phấn khởi, đặc biệt là kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ đảng viên mà nhân dân cũng rất đồng tình, hưởng ứng. Chúng ta rất phấn khởi trước những kết quả, bước đi vững chắc, nhất quán trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời tin tưởng trong thời gian tới, cuộc đấu tranh này sẽ tiếp tục đẩy mạnh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy cần phải làm công tác thông tin tuyên truyền sâu hơn nữa, đầy đủ và kịp thời hơn nữa. Nghĩa là phải nhấn mạnh, đây là cuộc đấu tranh rất thường xuyên, thường trực của bất cứ tổ chức chính trị nào.
“Trước kỷ luật Đảng sắt thép như thế, rất công minh, nghiêm ngặt như thế, các đồng chí lãnh đạo, trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt, đã thấy mình rất cần thực hiện văn hóa từ chức. Hành động ấy tự nó phản ánh sức mạnh kỷ luật Đảng”.
PGS.TS Nguyễn Viết Thảo
Cùng với đó, cũng cần phải tính đến các giải pháp căn cơ, gốc rễ hơn, làm sao để bên cạnh việc không dám, không thể tham nhũng, thì cũng cần quan tâm đến giải pháp để cán bộ đảng viên không cần tham nhũng. Muốn vậy, chế độ, chính sách, thu nhập cũng cần được quan tâm thiết thực hơn, làm sao để người có danh dự, có tự trọng không cần vụ lợi, tư lợi vẫn có thể sống được một cách bình thường. Còn nếu bỏ qua, xem nhẹ danh dự, cố tình vụ lợi, tham nhũng tiêu cực, lúc đó chúng ta sẽ phải xử lý một cách nghiêm khắc. Đây là một đòi hỏi rất khách quan từ thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Bài học đắt giá trong lựa chọn người đứng đầu các cấp
Kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng cũng là dịp để chúng ta nhìn lại 2 năm sau Đại hội XIII của Đảng, với nhiều biến động về công tác nhân sự; nhiều Uỷ viên Trung ương bị kỷ luật, cách chức, thậm chí bị xử lý hình sự. Vậy chúng ta nên nhìn nhận về việc này như thế nào, nhất là trong việc lựa chọn người đứng đầu các cấp, bộ, ngành?
Về vấn đề này, một mặt chúng ta đều thấy rất đáng tiếc, nhưng mặt khác cũng không nên hoang mang, lo lắng một cách cực đoan quá mức. Nhìn các cán bộ trung ương, cán bộ cấp cao bị xử lý, phải thôi nhiệm vụ, xót xa lắm chứ. Nhưng nhìn trong toàn Đảng, toàn xã hội, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý chúng ta còn rất vững mạnh, vững vàng. Những cán bộ trung ương, đứng đầu các cấp vẫn mắc phải tham nhũng, tiêu cực là bài học rất đắt giá cho việc lựa chọn người đứng đầu trong thời gian tới. Lựa chọn cán bộ đưa vào cấp chiến lược trong thời gian tới phải thật sự công tâm, khách quan, tinh tường từ nhiều kênh.
Có thể nói, công tác cán bộ cho nhiệm kỳ Khóa XIII vừa qua đã được chuẩn bị rất bài bản, công phu. Thế nhưng chúng ta thấy có không ít cán bộ dính vào tham nhũng, tiêu cực, làm cho không ít cán bộ, đảng viên lo lắng, phân vân, đặt ra câu hỏi tại sao lại như thế. Điều đó cũng phản ánh yêu cầu trong việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sắp tới, nhất là các nhân sự tham gia trung ương.
Những người đứng đầu các cấp ủy, bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, nhất thiết chúng ta phải làm một cách thận trọng hơn nữa dựa vào nhiều kênh thông tin, nhiều kênh đánh giá. Cố gắng phát hiện được từ sớm, từ xa, để không bố trí các nhân sự ấy vào vị trí đứng đầu, như vậy chúng ta sẽ lấy lại được trọn vẹn niềm tin, cũng giúp chúng ta đỡ tổn thất cán bộ.
Cán bộ cấp chiến lược phải tự kiểm điểm
Việc từ chức, xin thôi làm nhiệm vụ của nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cao cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giờ đây mới thực sự không còn vùng cấm?
Tôi cho rằng, đó là một hành động rất đáng hoan nghênh, thực sự là một hình thức của văn hóa từ chức. Chúng ta rất nên khuyến khích những cách xử lý như thế này. Đương nhiên, ai mắc phải những khuyết điểm, sai phạm cần phải truy tố thì truy tố, nhưng nếu chưa đến mức đó thì dùng hình thức xin thôi nhiệm vụ, rất đáng hoan nghênh, cần phát huy. Trong tâm trạng xót xa vừa qua, khi thấy một số trường hợp như vậy, tôi cũng rất trân trọng các quyết định ấy.
Theo ông, việc từ chức của một số Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị nói lên điều gì về sức mạnh kỷ luật của Đảng trong việc nâng cao tính tự giác, tự nhận trách nhiệm chính trị trước các vụ việc xảy ra của mỗi cán bộ, đảng viên?
Tôi cho rằng, kỷ luật của Đảng đã và đang phát huy sức mạnh. Chúng ta đã nói về việc này trong nhiều năm trước, nhưng đến những năm vừa qua, thời gian qua mới biểu hiện thành thực tế. Trước kỷ luật Đảng sắt thép như thế, rất công minh, nghiêm ngặt như thế, các đồng chí lãnh đạo, trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt, đã thấy mình rất cần thực hiện văn hóa từ chức. Hành động ấy tự nó phản ánh sức mạnh kỷ luật Đảng.
Nhìn rộng ra trong phong trào cách mạng, phong trào cộng sản quốc tế, thấy một sự thật rất rõ rằng, cộng sản không bao giờ gục ngã trong mưa bom bão đạn của thực dân đế quốc, nhưng không ít đội ngũ cộng sản đã gục ngã ngay trong thời bình, ngay trong cuộc sống kinh tế - xã hội, trước sự cám dỗ của vật chất. Đây là bài học rất xót xa, qua đó mới thấy việc rèn luyện kỷ luật, kỷ cương của Đảng phải được đặt ra hằng ngày cho tất cả đảng viên, trước hết là với cán bộ cấp cao. Trong bối cảnh này mới thấy vai trò nêu gương đối với cán bộ quản lý, nhất là cấp chiến lược, trong đó trước hết là người đứng đầu thực sự có ý nghĩa. Anh là người đứng đầu, anh là cấp chiến lược, dứt khoát anh phải là tấm gương.
Trong chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ Khoá XIV sắp tới, tôi kiến nghị với các nhân sự được đưa vào diện cấp chiến lược, cần tự kiểm điểm xem mình đã thực sự là tấm gương chưa. Trước hết là tấm gương trong phòng chống tham nhũng lãng phí, đối với người thân, vợ con mình, đối với bản thân mình ra sao. Cần phải yêu cầu họ viết thành văn bản, nếu cần thiết công khai trước đại hội, thậm chí có thể công khai ra ngoài xã hội để cho đảng viên và nhân dân giám sát.
Cảm ơn ông!