Theo đó, sau khi ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ thứ 5 tại quận Tân Bình, những ngày cuối tuần qua, các bệnh viện trên địa bàn thành phố liên tiếp phát hiện thêm 8 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện tất cả bệnh nhân đã được cách ly, điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định. Ngành y tế đã khẩn trương điều tra dịch tễ, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân, cách ly, theo dõi tại nhà.
TPHCM liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong cộng đồng. Ảnh: Vân Sơn |
Sau quá trình điều tra dịch tễ, Sở Y tế nhận định các ca bệnh đậu mùa khỉ chưa phát hiện các yếu tố liên quan đến nước ngoài. Đây được xem là những ca bệnh nội địa, công tác giám sát phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ vẫn đang được ngành y tế TPHCM tăng cường tại các cửa khẩu và hệ thống bệnh viện, phòng khám tư nhân trên toàn địa bàn.
Có cần tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ? PGS. Trần Đắc Phu cho rằng, Việt Nam không phải là nước lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ; đánh giá nguy cơ bùng dịch không cao. Do vậy, thời điểm này chưa cần đặt ra vấn đề tiêm vắc xin. “Người dân cần chủ động thực hiện phòng, chống dịch như các bệnh truyền nhiễm khác”, ông Phu nói.
Tính từ khi xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 2022, đến nay toàn TPHCM đã có 13 trường hợp mắc bệnh. Nếu tính trên cả nước thì tổng số ca bệnh được ghi nhận là 15 (2 ca bệnh còn lại được ghi nhận tại Bình Dương).
BS. Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho rằng, đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng. Bệnh có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ sát với mụn nước, quan hệ tình dục với người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn vi rút và lành bệnh nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt.
BS. Thúy Hoa cho biết, bệnh đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường). Các triệu chứng của bệnh diễn tiến nặng bao gồm các tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.
Cần phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng
Ngày 9/10, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho rằng cần điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh có tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về hay không. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường giám sát cửa khẩu, người đi vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác. Việc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong khoanh vùng, cách li, tránh lây lan.
“Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó để không mất kiểm soát dịch nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực, vì lúc này có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Ông nhấn mạnh, bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan cho tất cả mọi người trong cộng đồng, chỉ dễ lây lan trên một số nhóm người có nguy cơ như đồng tính nam, người song giới, người có bạn tình quan hệ tình dục không an toàn, không bảo vệ bằng bao cao su. Bệnh có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh này còn lây theo hình thức giọt bắn và qua dịch tiết.
“Người dân khi đã tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, nếu có các triệu chứng nghi ngờ bệnh cần đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định và chủ động cách li, tránh lây cho người khác”, ông Phu khuyến cáo.