Giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại cơ sở điều trị da liễu

TP - Ngày 6/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trên địa bàn thành phố vừa phát hiện thêm một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng số ca bệnh ghi nhận trên địa bàn lên 5 trường hợp và là ca bệnh thứ 7 trên cả nước.

Trường hợp mới được phát hiện là nam thanh niên 22 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình. Bệnh nhân đã đến thăm khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong tình trạng cơ thể nổi nhiều mụn nước bất thường. Các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định. Ngành y tế đã thực hiện các biện pháp điều tra dịch tễ khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc với người bệnh, cách ly theo dõi tại nhà.

Giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại cơ sở điều trị da liễu ảnh 1

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM ảnh: Vân Sơn

Như vậy, đến nay, đã có 7 ca bệnh đậu mùa khỉ (kể cả ca vừa ghi nhận ở Bình Dương) đã được phát hiện trong cộng đồng tại các tỉnh Đông Nam bộ. Qua điều tra dịch tễ chưa ghi nhận tiền sử có yếu tố nước ngoài từ các trường hợp nhiễm bệnh. Tiến hành giải mã trình tự gen, các chuyên gia xác định đây là chủng vi rút monkeypox thuộc kiểu gene C1 của Clade IIb. Chủng vi rút này mới xuất hiện lần đầu tại Việt Nam. Các trường hợp vừa phát hiện được xem là bệnh nội địa.

BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC cho biết, bệnh đậu mùa khỉ lây qua dịch tiết, tiếp xúc trực tiếp, qua quan hệ tình dục. Ngành y tế thành phố đang chủ động tăng cường công tác giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ nhằm phát hiện sớm ca bệnh tại các cửa khẩu và trong cộng đồng. Công tác giám sát ca bệnh được tập trung tại cơ sở điều trị da liễu, đặc biệt các phòng khám tư vì đây là nơi bệnh nhân khi có dấu hiệu mắc bệnh thường đến khám.

Khi phát hiện ca bệnh, ngành y tế sẽ nhanh chóng thu dung, điều trị, tránh tử vong và ngăn chặn nguy cơ nhiễm chéo hoặc lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị. Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc ca bệnh dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

“Người dân Việt Nam khi đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn”.

BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC

Để chủ động phòng chống đậu mùa khỉ, HCDC khuyến cáo người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Bình Dương ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ hai

Ngày 6/10, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, địa phương vừa ghi nhận thêm một ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân là L.M.T (SN 2004) trú tại khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, TP Thuận An. Ca bệnh được Bệnh viện Quốc tế Becamex phát hiện, gửi mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính. Hiện bệnh nhân được cách ly điều trị tại nhoa Nhiễm Trung tâm Y tế TP Thuận An.

Bệnh nhân L.M.T có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được TPHCM xác định trước đó là N.T.S (SN 2001, phường 2, quận Tân Bình , TPHCM).

Đây là ca mắc bệnh đậu mùa khỉ thứ hai tại Bình Dương. Trước đó, ngày 23/9, Bình Dương ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên là chị N.K.L (SN 2001, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên). Hiện sức khỏe của cả hai ca bệnh đậu mùa khỉ trên đều ổn định.HƯƠNG CHI

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.