Phát hiện nhiều vi phạm về sản xuất phân bón

TPO - Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu tổng hợp của lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc, trong lĩnh vực phân bón từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã kiểm tra 4.542 vụ, phát hiện, xử lý 1.434 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính các cở sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng... số tiền 60,57 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng cũng tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng;  2,43 tấn phân bón quá hạn sử dụng các loại, 7 tấn phân bón NPK giả chất lượng, 25,75 tấn phân bón NPK giả mạo nhãn hiệu, 496 kg phân bón vô cơ và phân bón lá, 1.600 bao bì giả mạo nhãn hiệu, 2 máy khâu bao bì, buộc tái chế 78,58 tấn phân bón kém chất lượng, 15,7 tấn phân bón các loại.

 Theo Bộ Công Thương, với nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 11 triệu tấn/năm phân bón các loại, hiện có khoảng hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón và hàng ngàn cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ. Cũng vì thế ngành phân bón Việt Nam luôn có nhiều diễn biến sôi động, phức tạp, thu hút nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau tham gia sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm phong phú, đa dạng về mẫu mã, chủng loại nhưng phân bón cũng là sản phẩm hay bị làm giả, kém về chất lượng.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp; trà trộn phân bón giả, kém chất lượng với phân bón đảm bảo chất lượng như mua phân bón thành phẩm của các công ty Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, phân bón các loại do Trung Quốc sản xuất không hóa đơn chứng từ… tiến hành pha trộn, đóng gói thành phẩm với số lượng lớn, ghi nhãn hiệu và bán cho các đại lý, cửa hàng với mức giá thấp hơn vài trăm nghìn đồng/bao loại 50kg để thu lợi bất chính.

Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón áp dụng khuyến mại, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn, lợi dụng lòng tin, nhận thức của nông dân còn hạn chế tổ chức hội nghị giới thiệu và khẳng định phân bón đảm bảo chất lượng. Địa điểm sản xuất, san chiết, đóng gói, dán nhãn mác phân bón thường liên tục thay đổi và được thuê tại các nơi xa xôi, vắng vẻ, đi lại khó khăn để dễ dàng trốn tránh trách nhiệm và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Để tăng cường các biện pháp ngăn chặn những hành vi trên từ cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, theo đó sản xuất phân bón vô cơ phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định để đảm bảo chất lượng sản phẩm và phải có giấy phép mới được sản xuất; phân bón nhập khẩu phải có giấy chứng nhận hợp quy cho từng lô nhập khẩu; phân bón sản xuất và nhập khẩu phải được công bố hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường. Theo các quy định này, chất lượng phân bón vô cơ sẽ được kiểm soát chặt hơn từ đầu nguồn, tại khâu sản xuất, nhập khẩu.

Bộ Công Thương cũng cho biết, đã có văn bản đề nghị các Sở Công Thương rà soát, thống kê danh sách, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn, đôn đốc các cơ sở sản xuất đảm bảo điều kiện sản xuất và lập hồ sơ đề nghị cấp phép sản xuất. Thông tin, số liệu về các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn đã được các Sở Công Thương báo cáo về Bộ Công Thương khá cụ thể, làm cơ sở cho công tác quản lý phân bón được hiệu quả hơn.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.