Một nhóm các nhà khảo cổ học thuộc Đại học Van Yüzüncü Yil do Tahsin Ceylan dẫn đầu đã khám phá ra kiến trúc cổ xưa, trải dài hơn 800m và được bao quanh bởi các bức tường cao khoảng 3m, bên dưới mặt Hồ Van – hồ nước mặn lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.
“Có tin đồn, có thể có một cái gì đó dưới nước. Nhưng hầu hết các nhà khảo cổ học và quan chức bảo tàng nói, chúng tôi sẽ không tìm thấy bất kỳ điều gì. Và thật kỳ diệu khi tìm thấy lâu đài này dưới nước. Các nhà khảo cổ khác sẽ đến đây để kiểm tra lịch sử và cung cấp thông tin về lâu đài”, ông Ceylan cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Andalou của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo báo chí trong nước, lâu đài dưới nước ước tính khoảng 3.000 năm tuổi. Các bức tường được làm từ đá nghi thuộc nền văn minh Urartu, vương quốc thời kỳ đồ sắt tồn tại từ 860 TCN đến 590 TCN.
Urartu, được biết đến như Vương quốc Van, là nền văn minh cổ xưa định cư ở các vùng của Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Iran.
Nhật báo Hürriyet Daily News dẫn lời ông Ceylan cho biết, những người định cư xung quanh đặt tên cho hồ là “biển thượng” và tin rằng có tồn tại nhiều điều huyền bí ở đây.
Các nhà khảo cổ dự đoán, mực nước hồ tăng lên đã nhấn chìm lâu đài theo thời gian. Hiện, các nhà khảo cổ học và thợ lặn lên kế hoạch tiếp tục khám phá hồ để khai quật thêm về lâu đài.