Mắc khén có tên khoa học Zanthoxylum rhetsa (Roxb.) DC., thuộc họ Cam (Rutaceae), được biết đến với một số tên gọi khác như vàng me, sẻn hôi, hoàng mộc hôi, phân bố ở Ấn Độ, Myanmar, Lào và Việt Nam.
Tại Việt Nam, mắc khén được coi là cây đặc sản của vùng núi phía Bắc, đặc biệt ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang và một số vùng khác như Thanh Hóa, Nghệ An.
Đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc thường dùng quả mắc khén thay hạt tiêu làm gia vị nổi tiếng, lá non cây này cũng được dùng làm gia vị.
Trong y học dân gian, mắc khén được coi là một dược liệu quý. Quả được dùng để trị đầy hơi, tiêu chảy, thấp khớp. Tinh dầu quả dùng chữa thổ tả. Vỏ thân dùng trị tiêu chảy, sốt rét, thấp khớp, mất trương lực của dạ dày.
Hạt mắc khén được dùng làm gia vị phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc. |
Tuy nhiên, các nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như hoạt tính sinh học của loài cây này ở Việt Nam chưa có nhiều.
Tới nay chỉ có một số kết quả công bố về thành phần hóa học tinh dầu quả, chưa có các nghiên cứu định hướng sử dụng các thành phần có hoạt tính cao làm thuốc chữa bệnh.
Nhằm tìm kiếm các thành phần có hoạt tính tốt có thể định hướng sử dụng làm thuốc từ loài cây gia vị này, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân và nhóm nghiên cứu Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học cây mắc khén (Zanthoxylum rhetsa) nhằm định hướng khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên thực vật này”.
Các nhà khoa học tìm ra nhiều hoạt chất có khả năng năng kháng nấm, kháng khuyến, gây độc tế bào ung thư từ nhiều bộ phận của cây mắc khén. |
Kết quả, nhóm nghiên cứu đã phân lập, xác định cấu trúc hoá học và hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư của các hợp chất thứ cấp từ các bộ phận lá, quả, vỏ thân cành cây mắc khén.
Cụ thể, đã phân lập và xác định cấu trúc của 15 hợp chất từ vỏ thân, trong đó có một chất mới là Zanthorhetsavietnamese, 8 chất từ lá và 5 chất từ quả. Một số chất thể hiện có hoạt tính tiềm năng, trong đó đáng chú ý là hoạt chất nitidine và hesperidin.
Nhóm cũng đã nghiên cứu thành phần hoá học và hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư của các mẫu tinh dầu thu được từ các bộ phận quả, lá, cành quả, cành lá, vỏ thân cành cây mắc khén.
Thông qua các kết quả nghiên cứu, nhóm đã tìm ra các thành phần có tiềm năng trong cây mắc khén như nitidine, hesperidin và tinh dầu, có hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư, đồng thời chiếm hàm lượng cao trong cây.
Để tiến tới việc khai thác một cách có hiệu quả các thành phần hoạt tính này nhằm định hướng phát triển thành các sản phẩm thiên nhiên có giá trị chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, các nhà khoa học kiến nghị nên có thêm các nghiên cứu về một số hoạt tính khác như kháng viêm, giảm đau, chống oxi hoá, tăng cường miễn dịch, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn ... của các thành phần này.