Nhóm nghiên cứu tại Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch phát hiện nhiều đồ tạo tác cùng một hòn đá khắc nhiều ký hiệu được cho là bản đồ cổ nhất thế giới trên hòn đảo Đan Mạch Bornholm nằm giữa biển Baltic, Science Alerthôm 10/11 đưa tin.
Hòn đá rộng khoảng 5 cm, có niên đại từ năm 2900 đến năm 2700 trước Công nguyên. Nó bị vỡ ra làm ba mảnh nhỏ hơn khi những người nông dân thời kỳ đồ đá thực hiện nghi lễ thờ cúng Mặt Trời. Các nhà khảo cổ mới chỉ tìm thấy hai mảnh của hòn đá, mảnh thứ ba bị thất lạc.
"Đây không phải vết trầy xước ngẫu nhiên. Một số đường kẻ có thể là hình vẽ ruộng ngô, cây xanh và con đường. Nếu hòn đá thực sự là một bản đồ, nó sẽ là thứ có một không hai", Flemming Kaul, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo Kaul, hòn đá không phải là bản đồ theo nghĩa hiện đại chúng ta dùng ngày nay, mà là một bản đồ cách điệu. Ông cho rằng hình vẽ chằng chịt trên hòn đá mô tả chi tiết địa hình đất đai trên đảo Bornholm cách đây gần 5.000 năm.
"Tôi có thể thấy một số điểm tương đồng với nghệ thuật chạm khắc đá ở vùng núi Alps, phía bắc Italy trong cùng khoảng thời gian. Theo đó, hình vẽ trên đá được hiểu như là cảnh quan mang tính biểu tượng, giống như những gì chúng tôi vừa khai quật", Kaul nói.
Trước đây, người ta cũng tìm thấy trên đảo Bornholm những hòn đá khắc hình ảnh Mặt Trời và tia nắng Mặt Trời. Giới khảo cổ cho rằng, chúng được sử dụng trong các nghi lễ cầu cho đất đai màu mỡ.