Theo Fox News, hơn một thế kỷ sau khi được phát hiện trong xác tàu đắm, chức năng chính xác của cỗ máy tính Antikythera, đặt theo tên hòn đảo phía nam Hy Lạp, nơi tìm thấy cổ vật, vẫn là câu đố chưa có lời giải. Từ vài dòng chữ đã giải mã trên mảnh bánh răng và đĩa đồng bị méo mó, ăn mòn, các chuyên gia đoán đó là một thiết bị thiên văn. Nhưng mục đích và cách hoạt động của nó nằm ngoài hiểu biết của giới nghiên cứu.
Sau hơn một thập kỷ nỗ lực sử dụng thiết bị quét cao cấp, đội các nhà khoa học quốc tế có thể đọc khoảng 3.500 ký tự trong văn bản giải thích cách sử dụng nằm ở phần trong cỗ máy 2.100 năm tuổi. Họ nhận định đây là cách giới thiệu về thiên hà của một triết gia và nhiều khả năng là máy tính cơ học lâu đời nhất thế giới.
"Chúng tôi đang giữ những văn bản mà bạn có thể đọc bằng tiếng Hy Lạp cổ đại", thành viên nhóm nghiên cứu Alexander Jones, giáo sư lịch sử khoa học cổ đại ở Đại học New York, cho biết. "Nó cung cấp rất nhiều chi tiết cho chúng tôi bởi nó ra đời ở thời kỳ chúng tôi biết rất ít về thiên văn học và công nghệ của Hy Lạp. Do đó, những dòng chữ nhỏ này có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi".
Theo nhóm nghiên cứu, cỗ máy là một loại lịch Mặt Trời và Mặt Trăng, chỉ ra các giai đoạn của Mặt Trăng, vị trí của Mặt Trời và Mặt Trăng trong cung hoàng đạo, vị trí các hành tinh, dự đoán hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.
"Đó không phải là một công cụ nghiên cứu, thứ nhà thiên văn sử dụng để tính toán hoặc thậm chí dự đoán, mà là vật bạn dùng để giảng dạy về vũ trụ và vị trí của chúng ta trong vũ trụ", Jones nói. "Nó giống như một cuốn sách giáo khoa thiên văn gắn kết chuyển động trên bầu trời và những hành tinh với cuộc sống của người Hy Lạp cổ đại và môi trường của họ".
Những ký tự chỉ cao 1,2 milimet được khắc vào mặt trong, trước và sau của cỗ máy tính to bằng hộp đựng tài liệu văn phòng, đặt trong hộp gỗ và vận hành nhờ tay quay.
Trong buổi công bố phát hiện diễn ra hôm 9/6 ở Athens, Hy Lạp, Mike Edmunds, giáo sư danh dự môn vật lý thiên văn ở Đại học Cardiff, Wales, chia sẻ văn bản giống bảng giới thiệu vật trưng bày thường thấy trong bảo tàng hơn là tài liệu hướng dẫn.
Tháng 4/1900, những mảnh vỡ của cỗ máy tính được đưa lên bờ từ xác tàu đắm giữa thế kỷ 1 trước Công nguyên, cùng với nhiều tượng đồng và cẩm thạch, đồ thủy tinh và gốm sứ sang trọng.
Hình phục dựng của cỗ máy tính lâu đời nhất thế giới. Ảnh: BBC.
Sau khi cạo bỏ lớp trầm tích, tập hợp mảnh vỡ nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu, và được nhiều nhóm chuyên gia tìm hiểu trong các thập kỷ tiếp theo. Trong khi có nhiều giả thuyết khác nhau về chức năng của bánh răng và cách sử dụng cỗ máy, các chuyên gia không thể đọc hàng trăm ký tự thuộc văn bản lưu giữ bên trong cỗ máy nhiều lớp có hình dáng hơi giống đồng hồ.
Cách đây 12 năm, nhóm nghiên cứu của Jones và Edmunds bắt đầu sử dụng công nghệ quét và chụp ảnh bằng tia X để phân tích 82 mảnh vụn còn lại của cỗ máy. "Nghiên cứu ban đầu nhằm tìm hiểu cỗ máy hoạt động như thế nào và đạt nhiều thành công", Edmunds nói. "Điều chúng tôi không nhận thấy là kỹ thuật hiện đại sẽ cho phép chúng tôi đọc văn bản khắc ở cả mặt trong và ngoài cỗ máy tốt hơn trước đây".
Đó là một quá trình hết sức công phu, bởi để đọc mỗi chữ cái siêu nhỏ, nhóm nghiên cứu phải xem xét hàng chục bản quét. Edmunds cho biết lối viết trang trọng và chi tiết chỉ ra cỗ máy không phải là món đồ tiêu khiển của một nhà sưu tập giàu có. Cỗ máy có thể ra đời ở Hy Lạp trong khoảng năm 70 - 200 trước Công nguyên, dù các nhà nghiên cứu không tìm thấy chữ ký của người chế tạo.
Nhóm nghiên cứu đã đọc tất cả văn bản trên những mảnh vụn tìm thấy từ cỗ máy. Họ hy vọng các nhà khảo cổ ghé thăm xác tàu sẽ tìm ra mảnh vụn bị thợ lặn bỏ sót cách đây hơn một thế kỷ hoặc phát hiện một cỗ máy khác tương tự.
Chiếc tàu buôn bị đắm là một con tàu khổng lồ ở thời cổ đại. Nó dài 40 m và gãy làm đôi khi chìm xuống con dốc sâu 50 m dưới biển. Theo nhóm nghiên cứu, ít nhất 20 bánh răng thể hiện các hành tinh vẫn còn nằm trong xác tàu.