Phát hiện 6 trường hợp vi phạm khi xác minh tài sản thu nhập

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng
TPO - Thanh tra Chính phủ cho biết, qua việc xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Trong đó đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp.

25 trường hợp nộp lại quà tặng

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái vừa có báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Liên quan đến việc minh bạch tài sản, thu nhập (MBTSTN), theo ông Khái, việc tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập tiếp tục được xác định là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để PCTN.

Trong quá trình sửa đổi Luật PCTN, nội dung về MBTSTN được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri, các nhà khoa học, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức xã hội... quan tâm, đóng góp ý kiến. Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý hợp lý để phối hợp chỉnh lý nội dung Dự án Luật PCTN sửa đổi, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Việc thực hiện MBTSTN được đánh giá là tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tích cực. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm là 1.136.902 người (đạt tỷ lệ 99,8%). Có 44 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái.

Theo ông Khái, việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ. Một số trường hợp được xác minh do trong quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc do phản ánh của dư luận, của nhân dân và báo chí.

Qua việc xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Đã xử lý kỷ luật 4 trường hợp, kiểm điểm 1 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 1 trường hợp. Cụ thể, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công Thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại TP. Hà Nội

Liên quan đến việc tặng quà và nộp lại quà tặng, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2018, đã có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 451,5 triệu đồng.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe, từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN tại đơn vị mình phụ trách.

Lợi ích nhóm, sân sau có thể xảy ra ở nhiều lĩnh vực

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trong năm 2018, việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra đã được quan tâm thực hiện sớm, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung thúc đẩy tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành, công khai kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra, kiểm tra phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: cuộc thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nghìn Toàn Cầu (AVG); việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản VN và một số đơn vị thành viên; việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; việc thực hiện quy hoạch, thu hồi đất khu đô thị mới Thủ Thiêm...

Theo ông Khái, qua thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật. Thu hồi tài sản sau thanh tra đạt tỷ lệ cao. Có vụ việc kiến nghị thu hồi được tài sản giá trị rất lớn như cuộc thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nghìn Toàn Cầu (AVG) đã kiến nghị thu hồi hơn 8.500 tỷ đồng.

Dự báo tình hình năm 2019, Thanh tra Chính phủ cho rằng, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết.

Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra cần được tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là trong các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp nhà nước.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.