Viện trưởng Lê Minh Trí:

Phát hành trái phiếu trái quy định, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thời gian qua đã khởi tố điều tra nhiều hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Phát hành trái phiếu trái quy định, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn ảnh 1

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh Như Ý

Khởi tố mới 81.756 vụ án hình sự

Sáng 8/11, báo cáo Quốc hội công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết: Năm 2022, tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên trong lĩnh vực trật tự xã hội đã xảy ra một số vụ án giết người thân, giết nhiều người; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” xuất hiện những thủ đoạn mới có sử dụng công nghệ thông tin gây tác động trên phạm vi rộng…

Đáng lưu ý, thời gian qua đã khởi tố điều tra nhiều hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Đề cập đến một số kết quả cụ thể đạt được trong năm 2022, ông Trí cho biết, toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 148.478 nguồn tin về tội phạm; ban hành 117.673 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm ; trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.617 cuộc tại Cơ quan điều tra…

Trong đó, một số vụ án điển hình được báo cáo viện dẫn như: Vụ án Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm về tội Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Theo ông Trí, ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 81.756 vụ án hình sự, giảm 4,9% so với năm 2021. Trong đó, đã phát hiện, xử lý hình sự các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, 37,6%; đáng lưu ý, một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Viện trưởng VKSND tối cao đã sớm ban hành Chỉ thị công tác năm 2022 với 4 mục tiêu lớn, 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cấp mình phụ trách. Yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm; gắn công tác xây dựng đơn vị, xây dựng ngành với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng…

Cơ quan này cũng tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đã thu hồi gần 9.600 tỷ đồng.

"Răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục"

Về tồn tại, hạn chế, Viện trưởng cho biết, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát luôn nỗ lực thực hiện đúng yêu cầu mà các nghị quyết của Quốc hội đặt ra và hạn chế tối đa việc để xảy ra oan, sai. Tuy nhiên, còn một số ít chỉ tiêu chưa đạt như: Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự được chấp nhận còn thấp; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao còn chưa cao.

“Tuy các tồn tại, hạn chế này chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng ngành Kiểm sát sẽ hết sức coi trọng việc chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới”, ông Trí nhấn mạnh.

Sang năm 2023, Viện trưởng cho biết, ngành Kiểm sát tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong thực hành quyền công tố, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, coi trọng công tác cán bộ và tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên và người đứng đầu các cấp kiểm sát; tăng cường công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp tối cao, cấp cao về địa phương và ngược lại.

“Đặc biệt chú ý luân chuyển ở những địa bàn trọng điểm, có số lượng công việc lớn, phức tạp, những lĩnh vực công tác quan trọng, nhạy cảm để rèn luyện thử thách cán bộ, đào tạo toàn diện cán bộ đáp ứng yêu cầu “một người biết nhiều việc, chuyên sâu một, hai việc”, khắc phục tính trì trệ “ở quá lâu tại một vị trí, lĩnh vực công tác”, phòng ngừa tiêu cực”, ông Trí cho hay.

VKSND Tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu: Kỷ cương, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro cho người thực hiện để đảm bảo năng động, sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển đất nước.

Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

“Hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi nên trong chính sách hình sự chúng ta cần phân định, có chính sách xử lý phân hoá như trên sẽ hiệu quả, thuyết phục. Đồng thời, xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm”, ông Trí bày tỏ.

MỚI - NÓNG