Những người tuần hành ở quảng trường Bastille, với dòng chữ trên biểu ngữ “Họ đã chết vì những hình vẽ. Không sợ! Tôi là Charlie” - Ảnh: Nguyên Vĩnh
Bàng hoàng. Ngậm ngùi. Phẫn nộ. Các nhà báo bị sát hại ngay tại nơi làm việc, bằng loại vũ khí dùng ở chiến trường, trong khi trong tay họ chỉ có ngòi bút. Những người vô tội bị giết chết. Nước Pháp thanh bình sững sờ nhận ra mối nguy khủng bố ngay trong lòng xã hội.
“Tôi là Charlie”, “Chúng ta không sợ !”
Quảng trường République ngày chủ nhật 11.1 trở nên quá nhỏ bé. Một triệu rưỡi người xuống đường ở Paris? Chắc chắn phải hơn thế, Sở Cảnh sát không đếm nổi, chỉ đưa ra con số dè dặt. Còn phải tính đến những người như tôi, không muốn và không thể chen chúc như cá mòi trong các toa tàu điện ngầm, không đến được điểm hẹn, không chen chân nổi vào đoàn tuần hành trên lộ trình chính, phải đi vào những con đường nhỏ bên cạnh.
Tôi trở thành “người ngoài hành tinh” khi đến điểm biểu tình tay không. Trong những trạm metro gần các quảng trường République, Bastille, Nation, mọi người nếu không có biểu ngữ cầm tay, thì ít nhất cũng có một tờ giấy khổ A4 dán trước ngực hay sau lưng, hoặc chí ít một mẩu vải đính trước ngực, tất cả đều với dòng chữ đã trở thành khẩu hiệu ngay từ ngày 7.1 sau khi xảy ra vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo: “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) . “Chúng ta không sợ bọn khủng bố!”, “Tình thương vượt lên hận thù”, “Tôi là Charlie”, “Charlie, tự do”, “Không phải máu sẽ đổ, mà là những giọt mực sẽ tuôn trào”...
Không thể kể hết sự sáng tạo trong những câu khẩu hiệu được hô vang, được viết vội trên những biểu ngữ. Và chưa bao giờ tôi nghe quốc ca Pháp, bản La Marseillaise được hát nhiều như thế trong một cuộc biểu tình. Một sự “thức tỉnh công dân”.
Charlie và tình người
Trước khi xảy ra vụ thảm sát, Charlie Hebdo đang thua lỗ nặng nề. In 60.000 bản, chỉ bán được phân nửa, trong khi lượng bán ra phải đạt 35.000 mới hòa vốn. Tờ báo hoàn toàn không nhận quảng cáo cũng như tài trợ để thực sự độc lập. Cuối năm vừa rồi khi kêu gọi đóng góp, Charlie Hebdo đã nhận được vài chục ngàn euro, nhưng còn quá ít ỏi so với mong muốn một triệu euro.
Và sự kiện bi thảm xảy ra... Tám thành viên trong ban biên tập nội dung, trong đó có những họa sĩ nổi tiếng: Wollinski, Cabu, Charb, Tignous - những khuôn mặt lịch sử của tờ báo, đã bị giết chết ngay trong buổi họp tòa soạn.
Thứ Tư 14.1, một tuần sau vụ khủng bố, Charlie Hebdo lại được xuất bản. Không phải một triệu bản như loan báo lúc đầu, mà đến 3 triệu bản, bằng 16 thứ tiếng, do yêu cầu quá cao. Đây là số lượng phát hành kỷ lục trong lịch sử báo chí Pháp, sánh ngang trước đây chỉ có tờ báo thể thao L’Equipe số ra ngày 13.7.1998 sau khi đội tuyển bóng đá Pháp đoạt chức vô địch thế giới.
Hai mươi quốc gia mà bình thường tờ báo này không phát hành tới, đã đòi được phân phối “số báo của những người sống sót”. Tại những nước đã có bán Charlie Hebdo, tổng đài các công ty phát hành tràn ngập những cuộc gọi của các địa điểm bán báo lẻ yêu cầu tăng lượng phân phối, một số khách hàng thậm chí đã trả tiền trước. Trong số những độc giả mới muốn đặt mua báo, có cả những cái tên như Arnold Schwarzenegger.
Các công ty phát hành không lấy chi phí, nhiều chủ sạp báo không nhận tiền lời. Còn các trang web bán hàng trên mạng như Amazon, eBay cam kết sẽ tặng cho Charlie Hebdo số tiền hoa hồng từ doanh số bán những sản phẩm như áo thun, nón kết, băng dính... mang dòng chữ “Je suis Charlie”. Một số chủ hàng cho biết hoặc không lấy lãi, hoặc tặng phân nửa tiền lời cho Hiệp hội Các nạn nhân khủng bố, cho các tổ chức báo chí...
Tôi chưa bao giờ mua Charlie Hebdo. Nhưng ít nhất là tuần này, tôi cũng sẽ như mọi người, đến sạp báo mua một tờ (dù có vẻ không dễ dàng, quầy báo nào cũng bảo đến sớm kẻo hết). Bạo lực không thể khuất phục được con người, cái thiện phải chiến thắng cái ác, thế kỷ 21 không thể quay lại với những man rợ của thời Trung cổ.
Pháp gấp rút truy tìm 6 nghi can
Có đến 6 thành viên ổ khủng bố đứng sau các vụ tấn công ở thủ đô Paris của Pháp có thể vẫn đang lọt lưới, theo AP.
Thông tin trên được tiết lộ giữa lúc Pháp triển khai 10.000 binh sĩ để tăng cường an ninh tại những địa điểm tôn giáo và đông người qua lại trên toàn quốc. Hiện các trường học, giáo đường Do Thái giáo và Hồi giáo cũng đã được 4.700 cảnh sát bảo vệ.
Theo Lan Chi