Vụ 8 học sinh chết đuối: Biển cảnh báo nguy hiểm bị bán sắt vụn

Biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm được dựng lên sáng 22/3.
Biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm được dựng lên sáng 22/3.
TPO - Chính quyền địa phương từng cắm nhiều biển cảnh báo nguy hiểm, cấm tắm tại khu vực các cháu đuối nước. Tuy nhiên, biển kiên cố bị lũ cuốn trôi, biển kim loại bị một số người dân lấy đi.

Sáng 22/3, hai tấm biển ghi rõ “khu vực nguy hiểm, cấm tắm” được dựng lên trên bãi cát ven sông Đà đoạn quan phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình). Đây là nơi 8 em học sinh bị đối nước khi chơi đùa dưới sông hôm trước.

Các cháu tử vong gồm Nguyễn Bình Minh (SN 2004), Đinh Gia Bảo (SN 2005), Bùi Việt Cường (SN 2005), Nguyễn Anh Nam (SN 2009), Nguyễn Trung Kiên (SN 2009), Nguyễn Đức Huy (SN 2007), Nguyễn Anh Minh (SN 2007) và Nguyễn Mạnh Hùng (SN 2008). Tất cả các em đều sống cùng một khu phố tại phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình), cách khu vực tai nạn khoảng 3km.

Một người dân chia sẻ, sông Đà nơi đây rất hung dữ, chỉ cần Thủy điện Hòa Bình xả một cửa, nước sẽ dâng lên ngang con đê. Tuy vậy, do bãi cát đẹp nên người dân thường tập trung ra đây tắm, bơi lội. “Cứ mùa hè chỗ này như bãi biển, xe cộ đỗ kín mặt đê. Bình thường chiều nào cũng có mấy bà tắm ở đây nhưng hôm qua chắc các cháu tắm sớm nên các bà ấy chưa ra” - người này nói.

Vụ 8 học sinh chết đuối: Biển cảnh báo nguy hiểm bị bán sắt vụn ảnh 1

Người dân địa phương cho biết khu vực này rất sâu, thường có xoáy nước nguy hiểm.

Nói về khúc sông, người dân cho biết bãi cát này trải dài hàng trăm mét và phía hạ nguồn nước khá nông, là chỗ tắm, chơi đùa được nhưng dịch về phía thượng nguồn lại rất sâu do trước kia cát được hút lên xây thủy điện.

Đặc biệt, khu vực nước sâu này nằm trong góc cua của sông Đà, thường có những xoáy nước ngầm nguy hiểm nhưng lại sát cạnh bờ. Vì vậy, trẻ em, người nơi khác rất dễ nhầm lẫn, cho rằng khu vực này an toàn và xuống tắm. Chính quyền địa phương từng cắm biển cảnh báo nhưng bị một số người nhổ đi... bán sắt vụn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Bình - Phó chủ tịch UBND phường Thịnh Lang xác nhận ý kiến này và cho biết, chính quyền từng cắm nhiều biển cảnh báo, cấm tắm tại khu vực các cháu gặp nạn. Tuy nhiên, một số biển bằng kim loại đã bị người dân nhổ đi còn biển kiên cố mới bị nước lũ cuốn trôi.

Vụ 8 học sinh chết đuối: Biển cảnh báo nguy hiểm bị bán sắt vụn ảnh 2

Gia đình đưa nạn nhân về cõi vình hằng trong sáng 22/3.

Được hỏi việc đảm bảo an toàn cho trẻ em nói chung, bà Bình khẳng định Ủy ban phường thường xuyên gửi văn bản về các tổ dân phố nhắc nhở về nguy cơ đuối nước ở trẻ; Đoàn thanh niên nơi đây cũng tiến hành dạy bơi, kỹ năng sống cho học sinh đồng thời yêu cầu các gia đình ký cam kết phòng chống tai nạn cho các em trước những dịp nghỉ hè...

Bà Bình nói thêm: “Ở bãi sông nơi tai nạn, hầu như toàn người dân, trẻ em các phường khác đến tắm. Phường Thịnh Lang mọi người đều biết chỗ đó có hủm rất sâu nên tránh được. Khi xảy ra sự cố, lực lượng công an khu vực, làng vạn chài thuộc quản lý của phường đã nhanh chóng có mặt để giúp các em nhưng không kịp”.     

Cũng theo lãnh đạo phường, trên địa bàn chưa hề có vụ đuối nước thương tâm như lần này.“Đây thật sự là việc quá thương tâm. Tôi mong đây sẽ trở thành bài học, thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho gia đình, nhà trường và chính quyền cần để ý nhiều hơn đến các em” - bà Bình nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.