Tang vật vi phạm 'bốc hơi': Người ra quyết định tạm giữ cũng bị xử lý

Tang vật vi phạm 'bốc hơi': Người ra quyết định tạm giữ cũng bị xử lý
TP - Theo quy định của Tổng cục Hải quan, người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế, người ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định.

Tang vật vi phạm 'bốc hơi': Người ra quyết định tạm giữ cũng bị xử lý ảnh 1 Lực lượng hải quan TP Hồ Chí Minh và BCĐ 389 quốc gia khám xét một lô hàng ngà voi nhập lậu ở cảng Cát Lái.

Cảnh báo tình trạng mất tang vật vi phạm

Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố; Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu chấn chỉnh công tác quản lý tang vật, phương tiện vi phạm.

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua xảy ra tình trạng công chức hải quan được giao nhiệm vụ quản lý kho tang vật đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo quản, lưu giữ tang vật.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị lưu ý một số nội dung trong quản lý, bảo quản tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Cụ thể, người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định.

Cũng theo quy định này, người được giao quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ tịch thu phải có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện; thường xuyên kiểm tra nơi tạm giữ; phát hiện kịp thời tang vật, phương tiện bị mất, hư hỏng hoặc nơi tạm giữ không đảm bảo an toàn để có biện pháp khắc phục kịp thời. Việc ghi chép sổ sách, thống kê, báo cáo định kỳ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tráo ngà voi giả lấy ngà voi thật

Trước đó,  ngày 8/9, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng về hành vi tham ô tài sản, tàng trữ buôn bán hàng cấm gồm: Phạm Minh Hoàng (SN 1982, trú quận Hai Bà Trưng) là cán bộ Cục Hải quan Hà Nội; Trần Trọng Cường (SN 1974, trú quận Nam Từ Liêm) và Hoàng Văn Diện (SN 1992, quê Nghệ An).

Trước đó, Phòng chống buôn lậu - Cục Hải quan TP Hà Nội phát hiện tang vật là ngà voi trong kho tạm giữ của đơn vị có dấu hiệu bị đánh tráo ngà voi giả. Sự việc được chuyển sang cơ quan ANĐT Công an Hà Nội xác minh làm rõ. Kết quả điều tra xác định từ tháng 3/2016, Hoàng được Cục Hải quan TP Hà Nội phân công quản lý kho tang vật vi phạm. Nhiệm vụ của Hoàng là theo dõi, nhập xuất tang vật vi phạm thu giữ trong lĩnh vực hoạt động hải quan chờ xử lý.

Tháng 4/2017, do cần tiền chi tiêu, Hoàng nảy sinh ý định lấy trộm ngà voi đem bán. Thông qua Trần Trọng Cường (bạn bè xã hội), Hoàng tìm được Hoàng Văn Diện nhận tiêu thụ số ngà voi cho Hoàng với giá 7-8 triệu đồng/kg. Cả 3 đã lên kế hoạch và bằng cách tráo ngà voi giả lấy ngà voi thật từ tháng 4/2017, Hoàng đã 8 lần lấy ngà voi từ kho tang vật của Cục Hải quan TP Hà Nội với tổng trọng lượng 239,5kg, bán được 1,676 tỷ đồng. ngoài ra, Hoàng còn lấy 7 khúc sừng tê giác có tổng trọng lượng 6,1kg, cùng Cường đem bán với giá 200 triệu đồng/kg, thu lợi hơn 1,2 tỷ đồng.

Trần Trọng Cường được hưởng 260 triệu đồng phí môi giới bán sừng tê giác. Số ngà voi mua được, Diện bán cho một người Trung Quốc có tên là Lê Chi Na. Diện cũng giữ lại 4 khúc ngà voi để thuê người tạc tượng. Khám xét khẩn cấp nơi ở Hoàng Văn Diện, cơ quan công an thu giữ 1 đồ vật hình ngà voi dài 80cm, 3 bức tượng điêu khắc 3 ông tam đa cùng nhiều vòng, hạt được chế tác từ ngà voi châu Phi.

Người được giao quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ tịch thu phải có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện theo đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện; thường xuyên kiểm tra nơi tạm giữ; phát hiện kịp thời tang vật, phương tiện bị mất, hư hỏng hoặc nơi tạm giữ không đảm bảo an toàn để có biện pháp khắc phục kịp thời.

MỚI - NÓNG
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
TPO - Hoa hậu Thanh Thủy trở về nước nhà với tà áo dài đầy thướt tha. Hoa hậu chọn cho mình mẫu áo dài hồng nhạt đồng nhất với màu ngọc trai trên vương miện. Đây cũng là dịp để Hoa hậu Quốc tế 2024 quảng bá vẻ đẹp của người con gái Việt trong tà áo dài với khán giả trong nước và quốc tế.