Tài xế tố cán bộ CSGT Hà Nội gây khó khăn, dọa dẫm khi xử lý vi phạm

Nam CSGT bị tố dọa dẫm, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Nam CSGT bị tố dọa dẫm, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
TPO - Tài xế Trịnh Xuân Tiến (SN 1990, quê tỉnh Phú Thọ) tố tổ CSGT làm việc trên đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua cầu Nhật Tân giao với cầu Sông Thiếp (Đông Anh, Hà Nội) gây khó khăn, dọa dẫm dù đã chấp hành mọi yêu dừng xe, kiểm tra của cảnh sát.

Ngày 17/6, Báo Tiền Phong nhận được phản ánh của anh Trịnh Xuân Tiến (SN 1990, quê Phú Thọ) về việc trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, anh bị cán bộ CSGT gây khó khăn, dọa thu giữ phương tiện.

Theo tài xế, khoảng 17h30 ngày 12/6, trên đường lái xe đi làm về anh lái xe máy BKS 19N1-228.xx hướng đường gom cầu song Thiếp nhập làn đi cầu Nhật Tân (Hà Nội) thì bị tổ cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe.

Xuống xe, nam tài xế được cán bộ CSGT tên Nguyễn X.T báo anh vi phạm lỗi “Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình”, quy định tại điểm g, khoản 3, điều 6 Nghị định 100 và giải thích, nam tài xế phải lái xe bên ngoài đảo giao thông. Ngay sau đó, cảnh sát yêu cầu tài xế xuất trình GPLX, đăng ký xe, bảo hiểm phương tiện và làm việc với cán bộ xử lý vi phạm.

Tài xế tố cán bộ CSGT Hà Nội gây khó khăn, dọa dẫm khi xử lý vi phạm ảnh 1 Tổ công tác CSGT làm nhiệm vụ trên đường Võ Nguyên Giáp chiều 12/6. Ảnh: Cắt từ clip

Theo phản ánh của tài xế, khi tới cabin ô tô BKS 31A-84xx biển xanh, một cán bộ CSGT khác che biển tên thông báo tài xế với lỗi này phải nộp 500.000 đồng tiền phạt. Tài xế giải thích mình nhập làn đúng quy định, không vi phạm biển báo giao thông hay vạch sơn kẻ đường hướng dẫn do đó đề nghị cảnh sát cung cấp hình ảnh vi phạm để nộp phạt. 

Tuy nhiên, cán bộ CSGT không phản hồi tài xế và chỉ trả lại bảo hiểm xe máy và phủ nhận giữ GPLX, đăng ký phương tiện của anh.

“Tôi chấp hành mọi yêu cầu của cảnh sát, tôi đề nghị tổ công tác chứng minh vi phạm lập biên bản để tôi nộp kho bạc và xin lại giấy tờ để kịp thời gian về giải quyết việc gấp của gia đình. Tuy nhiên, cán bộ CSGT phủ nhận cầm GPLX, đăng ký phương tiện và yêu cầu chứng minh cảnh sát cầm giấy tờ của tôi. Nam cảnh sát này còn dọa sẽ thu giữ phương tiện của tôi. Tôi có thực hiện hiện quyền giám sát của công dân, ghi hình lại toàn bộ quá trình làm việc với tổ công tác”, anh Tiến nói.

Trong phản ánh gửi Trưởng Phòng CSGT Hà Nội, tài xế Trịnh Xuân Tiến cho rằng, tổ cảnh sát làm việc với anh đã lạm quyền, gây khó khăn, dọa dẫm, cản trở việc đi lại gây mất thời gian cho người tham gia giao thông. Vi phạm Điều 3, Luật xử lý vi phạm hành chính, Thông tư 27 – Bộ Công an và Luật Công an nhân dân.

“Tôi cho rằng, việc xử lý vi phạm cần không được làm ảnh hưởng tới việc đi lại, tham gia giao thông của người dân chấp hành quy định. Cán bộ xử lý vi phạm không được gây khó khăn, nhũng nhiễu và dọa dẫm người tham gia giao thông. Qua đó, tôi đề nghị cấp có thẩm quyền làm rõ việc này”, tài xế Tiến nói. 

Tài xế tố cán bộ CSGT Hà Nội gây khó khăn, dọa dẫm khi xử lý vi phạm ảnh 2 Cán bộ CSGT tiếp nhận giấy tờ của tài xế Trịnh Xuân Tiến chiều 12/6. Ảnh: Cắt từ clip.

Liên quan nội dung phản ánh này, phóng viên đã liên hệ với đại tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng CSGT Hà Nội tuy nhiên chưa nhận được phản hồi chính thức. Trong khi đó, theo nguồn tin của Tiền Phong được biết, Thanh tra Công an TP Hà Nội đã vào cuộc xác minh, làm rõ nội dung phản ánh trên.

Cục CSGT – Bộ Công an vừa hoàn tất kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện trên toàn quốc trong một tháng (từ 15/5-14/6). Theo đó, lực lượng CSGT sẽ bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tập trung kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, ô tô kinh doanh vận tải khách, vận tải hàng hóa và xe cá nhân. Đặc biệt, xử lý nghiêm các vi phạm: nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, làn đường, phần đường, không đội mũ, lạng lách đánh võng, lái xe thành đoàn…

Các tổ tuần tra sử dụng các loại camera (gắn trên ô tô, mini hoặc cầm tay) đã được trang cấp để ghi lại toàn bộ hoạt động, các hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chống người thi hành công vụ, đua xe trái phép và các loại tội phạm khác làm căn cứ xử lý.

Cục trưởng CSGT - Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nhấn mạnh cán bộ, chiến sĩ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm điều lệnh và quy trình công tác... 

Tại điểm g, khoản 3, điều 6, Nghị định 100 quy định, hành vi “Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình” sẽ bị phạt từ 400.000-600.000 đồng. 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.