Sáng 16/3, ngày tiếp theo phiên xét xử nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp và các bị cáo khác trong vụ án hoán đổi đất (số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM và 57 Cao Thắng) gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỉ đồng.
Đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa (VKS) đã thẩm vấn đại diện Ngân hàng Agribank, Sở TN - MT TP.HCM và bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương), để làm rõ hành vi phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bị cáo Diệp.
Trong phần xét hỏi của VKS, đại diện Ngân hàng Agribank cho rằng Cty Diệp Bạch Dương của bà Dương Thị Bạch Diệp sau khi thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng đã có văn bản mượn lại bản chính hồ sơ nhà đất 57 Cao Thắng để cập nhật tài sản trên đất.
Sau khi cho Công ty Diệp Bạch Dương mượn, ngày 4/1/2011, Agribank có văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai và Sở TN-MT đề nghị chỉ bàn giao hồ sơ của khu đất cho Cty Diệp Bạch Dương khi có mặt của đại diện ngân hàng, đồng thời thông báo cho cơ quan trên biết về việc hồ sơ của thửa đất đã được thế chấp để đảm bảo cho một khoản vay.
Agribank cũng cho biết thêm, ngày 8/11/2008, bà Diệp thế chấp căn 185 Hai Bà Trưng (sát trụ sở Cty Diệp Bạch Dương) vay 14.000 lượng vàng để mua căn 57 Cao Thắng. Ngày 15/12/2008, căn nhà này được cấp giấy chứng nhận. Bà Diệp sau đó không trả được nợ, đề nghị ngân hàng gia hạn đến 31/10/2009 nhưng cũng không trả được. Bà Diệp có văn bản cam kết thế chấp một trong số 15 tài sản, trong đó có 57 Cao Thắng, để bảo đảm khoản vay 67.000 lượng vàng. Việc thế chấp này được đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đại diện Sở TN-MT cũng cho biết sau khi Agribank có văn bản đồng ý cho Cty Diệp Bạch Dương mượn giấy tờ bản chính, sở này đã thực hiện các việc cập nhật tài sản và sau đó giao bản chính cho ngân hàng. Hiện nay, bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất 57 Cao Thắng đang do Agribank giữ.
Bà Dương Thị Bạch Diệp khẳng định những lời khai của đại diện Agribank và Sở TN-MT hoàn toàn là giả mạo và không đáng tin cậy.
Tại tòa bà Diệp khẳng định mình chính là người đi nộp hồ sơ để cập nhật tài sản tại thửa đất 57 Cao Thắng, vì vậy chỉ có bà mới là người đi nhận về chứ không phải ngân hàng nhận bản chính hồ sơ này.
Cơ quan công tố sau đó yêu cầu bà Diệp giải thích việc kết luận giám định cho rằng tất cả văn bản, kể cả giấy chủ quyền, biên bản họp hội đồng thành viên... đều có chữ ký của bị cáo xác định thế chấp tài sản 57 Cao Thắng. Bà Diệp nói rằng: "Đối với những tài liệu do cơ quan điều tra cung cấp trong vụ án này thì tôi nghi ngờ 90% là giả mạo". Bị cáo này cho rằng kết luận giám định của công an cũng "không đáng tin cậy".
Thiệt hại 186 tỷ đồng
Tại phiên tòa này, ngoài ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM) còn có 8 bị cáo nguyên là lãnh đạo Văn phòng UBND TPHCM và các sở cùng bị xét xử về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Bà Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Cty Diệp Bạch Dương) bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cáo trạng cho biết, Trung Tâm ca nhạc nhẹ TPHCM (Trung tâm), là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở VH TT DL TPHCM, được UBND TPHCM giao quản lý sử dụng nhà đất 185 Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3 để làm trụ sở làm việc, nơi biểu diễn nghệ thuật. Các bị cáo đã cùng làm các thủ tục để đổi nhà đất này cho Cty Diệp Bạch Dương của bà Diệp, đổi lại bà Diệp hoán đổi nhà đất số 57 đường Cao Thắng, quận 3 cho Trung tâm, cũng như hỗ trợ kinh phí xây dựng Trung tâm mới ở số 57 Cao Thắng.
Khi nhận được giấy chứng nhận nhà đất 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp thế chấp vay và hiện còn dư nợ Agribank số tiền là 2.904 tỷ đồng, lãi hơn 2.500 tỷ đồng và nhà đất 57 Cao Thắng thì cũng không thể sang tên cho Trung tâm vì bà Diệp đã thế chấp ngân hàng để vay vốn. Cáo trạng xác định Trung tâm đã mất quyền kiểm soát đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại 186 tỷ đồng.