Theo đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa, bị cáo Trần Phương Bình - tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch hội đồng tín dụng Ngân hàng Đông Á (viết tắt DAB) có vai trò chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 1.551 tỷ đồng, tổng cộng gây thiệt hại cho DAB 3.608 tỷ đồng.
Sai phạm của bị cáo Bình là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng Ngân hàng Đông Á tại thời điểm ngày 31/12/2015: Lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng. Trách nhiệm của các bị can liên quan đến 3 nhóm hành vi.
Trong bản cáo trạng VKSD TPHCM công bố, có nhiều cá nhân đã không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như “thoát tội” khi căn cứ theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với Nguyễn Thị Mỹ Linh (nguyên Chánh Văn phòng HĐQT DAB) ký chứng từ nộp khống 17 tỷ đồng để mua cổ phần DAB hộ Trần Phương Bình do được Bình nói nguồn tiền đã chuẩn bị sẵn. Nguyễn Thị Mỹ Linh không biết hành vi nêu trên đã tạo điều kiện để Trần Phương Bình chiếm đoạt tiền của DAB.
Hành vi nêu trên của Nguyễn Thị Mỹ Linh có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, do chuyển biến của tình hình theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 nên không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 165 BLHS năm 1999. Hành vi của Nguyễn Thị Mỹ Linh không phạm vào tội tương ứng theo BLHS năm 2015.
Đối với Trần Đạo Vũ (Phó Tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Ngân hàng Đông Á (viết tắt DAB) Chi nhánh Hà Nội), Phạm Kim Tuấn (Trưởng phòng Ngân quỹ DAB Chi nhánh Hà Nội), Dương Thị Thúy (Phó Trưởng phòng kinh doanh DAB), Nguyễn Thị Ngọc Thuy (Nhân viên Phòng kinh doanh DAB), Nguyễn Văn Điều (nhân viên Phòng Kinh doanh tại Chi nhánh Hà Nội) có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng có vai trò thấp hơn các bị can đã khởi tố, không có dấu hiệu đồng phạm với Trần Phương Bình về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, hành vi không phạm vào tội tương ứng theo BLHS năm 2015, nên không xem xét trách nhiệm hình sự theo Nghị quyết số 41 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015.
Ngoài ra, bị cáo Trần Phương Bình phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 283 tỷ đồng của DAB trong việc mua 13,4 triệu USD chuyển cho Phan Văn Anh Vũ và chiếm đoạt 10 tỷ đồng trong việc mua 500.000 USD chuyển cho Nguyễn Thiện Nhân.
Trong vụ việc này, bị cáo Phan Văn Anh Vũ có trách nhiệm hoàn trả số tiền 13,4 triệu USD cho Trần Phương Bình để trả DAB.
Đại diện VKSND nêu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ việc Phan Văn Anh Vũ nhận số tiền này, nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với Nguyễn Thiện Nhân: Hiện không xác định được nơi ở nên Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xác định Nguyễn Thiện Nhân có nhận 500.000 USD của Trần Phương Bình hay không? Nhận để làm gì? Cơ quan điều tra quyết định tách để điều tra, giải quyết sau.