Chủ mưu là Trưởng Phòng khảo thí
Cơ quan ANĐT - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Hòa Bình, liên quan tới việc gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018.
Đồng thời, Cơ quan ANĐT đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 3 bị can: Nguyễn Quang Vinh (SN 1966) - nguyên Trưởng phòng khảo thí và Quản lý giáo dục; Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979) - Phó hiệu trưởng trường THPT-THCS huyện Lạc Thủy và Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1981) - chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục.
Cả ba bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo kết luận điều tra, ngày 15/5/2018, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình quyết định thành lập Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018. Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn đều nằm trong tổ chấm thi trắc nghiệm, trong đó bị can Vinh làm tổ trưởng.
Cơ quan điều tra xác định, chủ mưu trong vụ án này là bị can Nguyễn Quang Vinh. Cụ thể, vào tháng 5/2018, bị can Vinh đã bàn bạc, thống nhất với Đỗ Mạnh Tuấn xử lý, can thiệp sửa bài thi của các thí sinh trước khi đưa vào máy quét file ảnh bài làm gửi về Bộ GD&ĐT. Theo đó, bị can Vinh chuẩn bị chìa khóa phòng giữ bài thi trắc nghiệm và bố trí niêm phong cửa phòng thi bóc được dễ dàng.
Sau đó, Đỗ Mạnh Tuấn là người trực tiếp sửa bài thi các thí sinh theo danh sách. Đỗ Mạnh Tuấn cũng gặp và bàn bạc với Nguyễn Khắc Tuấn để cùng thực hiện việc can thiệp, nâng điểm thi cho một số thí sinh theo chỉ đạo của bị can Vinh.
22 bài thi môn Văn được nâng điểm
Cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự giám định 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm. Qua đó, xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa, các đáp án trên bài thi trắc nghiệm không phải do cùng một người gây ra. Các bài thi này đã được can thiệp, nâng điểm từ 0,2-9,25 điểm/một môn thi.
Quá trình điều tra, bị can Đỗ Mạnh Tuấn đã thừa nhận được hưởng 550 triệu đồng để can thiệp sửa bài thi trắc nghiệm của các thí sinh.
Cũng theo Cơ quan ANĐT, đối với môn thi tự luận, Đỗ Mạnh Tuấn khai còn được Nguyễn Quang Vinh chỉ đạo làm “sinh phách” (mã hóa số báo danh của thí sinh từ phần mềm quản lý thi) chấm thi tự luận môn Ngữ Văn mặc dù Tuấn không có nhiệm vụ.
Sau khi tập hợp Đỗ Mạnh Tuấn đưa lại cho bị can Nguyễn Quang Vinh danh sách các thí sinh cần nâng điểm thi môn Ngữ Văn để Vinh chỉ đạo, xử lý. Kết quả chấm thẩm định bài thi tự luận môn Ngữ Văn của Bộ GD&ĐT xác định có 22 bài thi của 22 thí sinh được chấm chênh lệch điểm từ 1,25 đến 4,75 điểm.
Tuy nhiên kết quả điều tra đến nay chưa có đủ căn cứ kết luận các cá nhân liên quan có dấu hiệu sai phạm trong việc can thiệp, nâng điểm thi tự luận môn Ngữ văn như lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn.