Giám đốc ngân hàng 'vẽ đường' cho doanh nghiệp chiếm đoạt 325 tỷ đồng

Nguyễn Minh Chuyển, nguyên Giám đốc VCB Tây Đô.
Nguyễn Minh Chuyển, nguyên Giám đốc VCB Tây Đô.
TPO - Làm ăn thua lỗ, Lê Tùng Huy, ông chủ 4 công ty ở TP Cần Thơ, tìm gặp Nguyễn Minh Chuyển, Giám đốc Chi nhánh VCB Tây Đô xin khoanh, giãn nợ. Vị giám đốc gợi ý Huy chuyển nhượng một công ty cho em trai mình, đổi lại sẽ giúp Huy tiếp tục vay vốn, khiến VCB Tây Đô thiệt hại hơn 325 tỷ đồng.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam  - Chi nhánh Tây Đô (VCB Tây Đô).

Theo đó, CQĐT đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 3 bị can gồm: Lê Tùng Huy (SN 1977, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Vĩnh Nguyên, trụ sở tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) và Nguyễn Thị Tuyết Trinh (SN 1981, vợ Huy) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Bị can thứ ba trong vụ án là Đỗ Bảo Phương Quế (SN 1981, cán bộ Phòng khách hàng VCB Chi nhánh Tây Đô) bị đề nghị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” – theo Điều 206 Bộ luật Hình sự.

Theo kết luận điều tra, mặc dù đang sở hữu công ty Thủy sản Vĩnh Nguyên song do muốn mở rộng sản xuất kinh doanh nên từ năm 2007 đến 2009, Lê Tùng Huy và vợ là Nguyễn Thị Tuyết Trinh liên tiếp thành lập thêm 3 công ty khác ( Công ty TNHH Thủy sản Trường Nguyên, Công ty TNHH TMDV Bảo Nguyên và Công ty TNHH TMDV Hải Long ) để vay vốn VCB Tây Đô.

Đến năm 2011, do cả bốn công ty đều làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ gốc và lãi đến hạn cho ngân hàng nên Huy đã tìm gặp và đặt vấn đề xin Nguyễn Minh Chuyển, Giám đốc VCB Tây Đô cho khoanh nợ, giãn nợ, bán tài sản đảm bảo để trả nợ nhưng không được Chuyển đồng ý.

Thay vào đó, Nguyễn Minh Chuyển gợi ý Huy chuyển nhượng Công ty Thủy sản Vĩnh Nguyên cho Nguyễn Hùng Cường (chủ nhóm khách hàng Nam Sông Hậu, em trai Chuyển) để Cường quản lý, điều hành giải quyết nợ cho VCB Tây Đô. Còn Huy sẽ thành lập doanh nghiệp mới và VCB Tây Đô sẽ tạo điều kiện cho các công ty thành lập mới vay vốn để trả nợ gốc, lãi cho 3 công ty còn lại của Huy.

Thực hiện “diệu kế" của Chuyển, vợ chồng Huy đã nhờ người thân đứng tên thành lập thêm 3 công ty khác, rồi lập khống hồ sơ năng lực doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính…, để tiếp tục vay vốn VCB Tây Đô.

Mặt khác, tại các cuộc họp giao ban, Nguyễn Minh Chuyển đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ “hỗ trợ” cho công ty của vợ chồng Huy nhằm mục đích đảo nợ xấu thành tốt. Thực hiện chỉ đạo của Chuyển, Đỗ Bảo Phương Quế - cán bộ phòng khách hàng đã ký báo cáo thẩm định và đề xuất giới hạn tín dụng cho công ty của vợ chồng Huy mà không tuân theo các quy định về cho vay. Sau đó, Chuyển ký tờ trình gửi Bộ phận quản lý rủi ro Hội sở chính phê duyệt hạn mức tín dụng.

Tính đến tháng 12/2014, 6 công ty của vợ chồng Huy đã phát sinh 8 hợp đồng tín dụng nợ quá hạn, mất khả năng thanh toán với tổng số tiền hơn 421 tỷ đồng. Sau khi thực hiện các biện pháp xử lý tài sản đảm bảo, VCB Tây Đô vẫn thiệt hại hơn 325 tỷ đồng.

CQĐT xác định, có tổng cộng 14 người là lãnh đạo, cán bộ VCB Tây Đô liên quan đến hành vi phạm tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”. Trong đó, 11 cán bộ đã bị xử lý kỷ luật nên CQĐT không xem xét xử lý hình sự.

Riêng Nguyễn Minh Chuyển, Giám đốc Chi nhánh và Trần Anh Huy, Trưởng phòng khách hàng VBC Tây Đô đã bị khởi tố điều tra trong vụ án “Vi phạm quy định về cho vay…” xảy ra tại VCB Tây Đô nên CQĐT không đề nghị xử lý hình sự trong vụ án này.

Cơ quan ANĐT xác định, có 16 người đứng tên làm giám đốc, kế toán trưởng, kế toán viên cho nhóm Cty của vợ chồng Huy – Trinh và 31 người ký “khống” hồ sơ mua bán hàng hóa, ký Ủy nhiệm chi, giấy nhận nợ, phiếu giao nhận nhiên liệu… giúp Huy hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định những người này không biết mục đích của việc ký các giấy tờ liên quan và không được hưởng lợi nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự.

MỚI - NÓNG